Chú dơi trong đoạn video có tên là Tal'ngay Dha'run hiện đang sinh sống tại Trại chăm sóc dơi Úc. Tal'ngay Dha'run trong tiếng địa phương của thổ dân Yugambeh Indigenous có nghĩa là “cánh trắng”. Chú dơi được người dân đặt tên nhờ màu sắc đặc biệt khác hẳn với đồng loại của mình.
Tal’ngay Dha’run thuộc dòng dơi cáo bay (dơi ăn quả hay dơi quạ). Đây là loài dơi lớn nhất trong bộ nhà dơi với sải cảnh lên tới 1,5m, cân nặng từ 0,6-1,5kg. Dơi quạ có bộ lông dài, mượt với lớp lông lót dày và không có đuôi. Dung mạo của dơi quạ khá giống loài cáo với đôi tai nhỏ và mắt lớn, vì vậy chúng có cái tên "cáo bay".
Đặc biệt loài dơi này có 2 màu sắc chính: xám đen toàn thân với phần lông cổ màu nâu (dơi cáo đầu xám) hoặc nâu đất với phần lông cổ màu cam (dơi cáo thường). Màu sắc đặc biệt của Tal’ngay Dha’run xuất phát từ hội chứng bạch thể (leucism) ở động vật. Hội chứng bẩm sinh này khiến các cá thể mắc phải mất đi các sắc tố màu sắc, tuy nhiên không mất toàn phần và mang màu mắt đỏ như Bạch tạng. Nhìn chung các cá thể mắc phải hội chứng leucism này vô cùng quý hiếm.
Trish Wimberley, Giám đốc Trạm chăm sóc dơi Úc cho biết, Tal’ngay Dha’run đã sống ở trại từ năm 2017. Một tình nguyện viên đã phát hiện và giải cứu chú dơi trắng đang nằm bất tỉnh giữa rừng vì bị cháy nắng. Sau khi được điều trị và chăm sóc, chú dơi quyết định ở lại trại thay vì trở lại thiên nhiên.
Do màu sắc đặc biệt nên Tal’ngay Dha’run sẽ dễ bị các loài săn mồi phát hiện và tấn công nếu sống ngoài tự nhiên. May mắn cho Tal’ngay Dha’run, các chú dơi khác tại trại không hề tránh xa mà rất yêu quý chú, coi chú như một thành viên trong đàn.
Xem thêm >>>>> Video: Rắn độc tử chiến, rắn đen bụng đỏ đụng độ rắn đen đốm
Bá Di