Tiêm kích F-15 Eagle bắt đầu hoạt động trong Không quân Mỹ từ năm 1976. Trong suốt 3 thập kỷ, F-15 được xem là "kẻ thống trị" bầu trời cho đến khi tiêm kích tàng hình F-22 Raptor được đưa vào hoạt động.
Nhà phân tích quốc phòng Kyle Mizokami nhận định, ngày nay F-15 vẫn là đối thủ đáng gờm trên bầu trời đối với bất kỳ chiến đấu cơ tiên tiến nào. Eagle là sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 động cơ phản lực mạnh mẽ, radar tiên tiến cùng hệ thống vũ khí cực mạnh.
F-15 được chế tạo theo yêu cầu của Không quân Mỹ về một loại máy bay chiến đấu có khả năng không chiến tốt nhằm cải thiện thành tích bết bát
Các phiên bản đầu của F-15 được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Vũ khí chính của Eagle là 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow hoặc AIM-120 và 4 tên lửa hồng ngoại AIM-9 Sidewinder. Máy bay được vũ trang một pháo 20mm 6 nòng dùng cho cận chiến.
F-15 được trang bị 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-100 hoặc PW-200. Động cơ này giúp máy bay đạt tốc độ tối đa 2.665 km/h. Eagle có thể bay lên cao với tốc độ 254 m/s, một khả năng rất ấn tượng đối với chiến đấu cơ có trọng lượng cất cánh tới 30 tấn.
Cảm biến chính của F-15 là radar xung Doppler AN/APG-63, các phiên bản sau được trang bị radar AN/APG-70. Gần đây nó được nâng cấp với radar quét mạng pha điện tử chủ động AN/APG-63 (V) 3. Radar của F-15 có tầm trinh sát khoảng 160km ở trên không, hơn 300km với mục tiêu cỡ tàu khu trục.
Gần đây nhà sản xuất Boeing đã giới thiệu phiên bản F-15SE Silent Eagle. Phiên bản này có khả năng tàng hình với khoang vũ khí hai bên hông. Nhà sản xuất trang bị cho F-15SE những công nghệ tiên tiến không thua kém chiến đấu cơ thế hệ 5 nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến trường thế kỷ 21.
Hiện tại, F-15 là trụ cột trong năng lực tấn công mặt đất và chiếm ưu thế trên không của Không quân Mỹ. Chiến đấu cơ này dự kiến sẽ được sử dụng đến năm 2040.
(Tổng hợp)