Ở thời buổi công nghệ như hiện nay, không khó để bắt gặp những em nhỏ cả ngày chỉ ngồi dán mắt vào điện thoại hay máy tính bảng để theo dõi video trên YouTube, đặc biệt là những lúc không có cha mẹ hay người thân chơi cùng.
Số lượng video gần như bất tận cùng tính năng gợi ý video liên quan khiến cho nhiều cô cậu nhóc khó mà rời mắt khỏi màn hình nếu như không bị nhắc nhở. Vì vậy, nhiều kênh video đã ra đời với nội dung vui nhộn, ngộ nghĩnh nhằm hướng đến bộ phận tưởng chừng chỉ chiếm thiểu số nhưng thực tế lại cực kỳ đông đảo.
Một số kênh lớn trong lĩnh vực này có thể kể đến Thơ Nguyễn, KN Channel, Song Thư Channel, NTN Vlogs, Tiền Zombie v4, POPS Kids, AnAn ToysReview TV... Từ bảng xếp hạng top 50 kênh YouTube tại Việt Nam với lượng subscriber (người theo dõi) lớn nhất, có ít nhất 15 kênh đang sản xuất các video dành cho trẻ em, hoặc hướng tới trẻ em.
Ông Đinh Gia Nhật Bình, Giám đốc Eligraphics, chủ quản kênh Eli Kids chia sẻ: “Làm nội dung video cho trẻ em có điều đặc trưng hơn các đối tượng khác. Đó là người tìm kiếm nội dung chưa hẳn là người tiêu thụ nội dung. Vì lẽ, trẻ em xem gì đều cần đến sự giám sát của bố mẹ, người lớn. Nhưng nếu nội dung không hấp dẫn thì khó thu hút các bé”.
Thu nhập lớn dẫn đến việc nhiều kênh YouTube cho trẻ em sẵn sàng làm những nội dung mà nhiều người đánh giá là không mang tính giáo dục, thậm chí phản cảm. Việc một kênh YouTube có lượt xem lớn là Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life bị phạt 30 triệu đồng hồi tháng 1/2017 vì làm nội dung phản cảm là ví dụ. Hay một video hướng dẫn làm bồn tắm thạch Gelli Baff của kênh Thơ Nguyễn có đoạn nhân vật chính rên rỉ cũng bị nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối.
Các chuyên gia cho rằng, trẻ em chưa có nhận thức một cách đầy đủ, luôn cần có sự giám sát và bảo vệ của phụ huynh. Khi phụ huynh lên tiếng phàn nàn về nội dung video dành cho con em, những người làm ra nội dung đó trước hết cần nghiêm túc xem lại cách làm của mình.
Vì vậy, các bậc phụ huynh vẫn cần có những biện pháp theo sát con em, nhằm tránh tình trạng các em tiếp xúc với nguồn nội dung độc hại trên YouTube. Phụ huynh có thể theo dõi các video mà con em mình đã xem thông qua mục "Lịch sử" được tích hợp sẵn trên YouTube phiên bản web hoặc ứng dụng smartphone. Khi thấy kênh có nội dung không phù hợp, phụ huynh cần tiến hành bỏ đăng ký (unsubscribe) kênh ngay lập tức và khuyên giải, nhắc nhở cho con cái hiểu.