Một chiếc máy bay của hãng hàng không Air India đã đi vào vùng nhiễu động trên hành trình từ Amritsar tới New Delhi vào ngày 19/4 vừa qua, khiến phi cơ rung lắc dữ dội và một cửa sổ bung ra. Một số người rơi nước mắt lo lắng, số khác nắm chặt tay cầu nguyện.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến thứ gì như thế. Trong vòng khoảng 10 đến 12 phút, chúng tôi đã đi qua một vùng nhiễu động mạnh chưa từng thấy”, phi công nói.
![[Video] Máy bay Ấn Độ rụng cửa khi bay qua vùng nhiễu động](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/nguoiduatin/vcc/nguoiduatin/easy/clip/2018/4/23/16/46/screenshots/bRf89H8S1F.jpg)
Nhiều hành khách hoảng loạn trong khi tiếp viên (áo vàng) lắp lại phần cửa sổ bị rụng.
Dù phần cửa sổ bị rụng ra chỉ là viền trong cùng và không gây ảnh hưởng tới tình trạng máy bay nhưng nhiều hành khách vẫn hoảng hồn.
Ba người đã bị thương nhẹ khi vụ việc xảy ra do hành lý rơi từ trên khoang xuống. Một hành khách không thắt dây an toàn đã bị đập đầu vào thành cabin.
Tổng cộng 236 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đã có mặt trên chiếc máy bay Boeing 787 có tuổi đời 6 năm này.
Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA) đang kết hợp với ban Điều tra Tai nạn Máy bay (AAIB) để làm rõ vụ việc.
“Vùng không khí nhiễu động” là vùng có mật độ không khí loãng hơn các vùng xung quanh. Khi đang bay ở vùng không khí bình thường chuyển sang vào vùng không khí loãng hơn, lực đẩy bỗng dưng bị hụt, máy bay bị mất sức nâng. Từ đó máy bay chao đảo hoặc mất thăng bằng, có thể rơi tự do trong chốc lát. Có hai loại nhiễu động. Một là nhiễu động không khí xảy ra khi hai vùng không khí khác nhau, tiếp xúc với nhau ở độ cao lớn, như gần các dãy núi hay khi trên đại dương. Hai là nhiễu động xảy ra khi thời tiết không thuận lợi. Loại này dễ được phát hiện qua radar hơn. Nhưng nhìn chung, nhiễu động khó đoán trước, hay xuất hiện bất ngờ. Chính vì vậy, dù là hãng máy bay đẳng cấp đến thế nào cũng vẫn gặp sự cố bất khả kháng này. |