Richart Sowa, người đàn ông Anh quốc đã tạo ra hòn đảo nhân tạo khiến cả thế giới ngưỡng mộ trong vòng 7 năm ròng rã. Hòn đảo mang tên Joyxee rộng 2.438 mét vuông được xây dựng chỉ bằng chai nhựa đã qua sử dụng.
Được biết ông Richart đã nảy ra ý tưởng này khi ông tình cờ đọc được một bài báo về tác hại của rác nhựa. Với ý tưởng này, Richart nhận thấy rằng rác nhựa sẽ không còn đáng lo ngại nếu con người biết tái chế thành những đồ vật hữu dụng. Cụ thể là biến chúng trở thành vật liệu xây dựng để tạo nên hòn đảo nhân tạo Joyxee.
Ông đã bắt tay vào xây dựng hòn đảo Joyxee với những vật liệu rất đơn giản như dây thừng, lưới đánh cá, ván ép, gỗ và không thể thiếu rác nhựa. Richart đã mất khá nhiều thời gian để thu thập rác nhựa và sau gần 3 năm, ông đã thu thập được hơn 1.000 chai nhựa, chai thủy tinh và nhiều loại rác thải kim loại khác nhau.
Richart đã đặt tất cả “chiến lợi phẩm” mà mình gom được vào trong một chiếc túi lớn để tạo độ nổi cho hòn đảo. Sau đó, bọc một lớp túi rác xung quanh bề mặt đảo, đồng thời, phủ đất lên trên để trồng cây và các loại thảo mộc.
Ông cho biết: “Kế hoạch của tôi là có thể tự cung tự cấp. Tôi là một người ăn chay và tôi có thể ăn hoa quả từ cây trồng trên đảo. Nhưng nếu muốn thức ăn phong phú hơn, tôi đi xe đạp đến cửa hàng địa phương gần đó. Tôi có một chiếc phà được làm từ chai nhựa, có thể chở được tám người đến và đi từ bờ biển”.
Một trong những điều tuyệt vời nhất về hòn đảo nổi này là nó có thể di chuyển đến bất kỳ địa điểm nào nhờ sự trợ giúp đắc lực của các cánh buồm. Ngoài ra, trên Joyxee còn được xây dựng nhà ở ba tầng, có đủ các phòng chức năng được trang bị các thiết bị hiện đại như: máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, internet,… và tất cả chúng đều sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động.
Được biết, hòn đảo nổi Joyxee của ông Sowa cách bờ biển 30 mét, gần Cancun, Mexico. Đây là hòn đảo thứ hai mà Richart xây dựng sau khi đảo nổi đầu tiên của ông, có tên Spiral, bị cơn bão Emily phá hủy vào năm 2005.
(Tổng hợp)