Hôm nay 6/11, tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink gửi lời chào tới người dân Việt Nam bằng tiếng Việt. Trong đoạn video, Đại sứ cho hay, ông đã đến thăm Việt Nam 3 lần và rất ấn tượng với sự đón tiếp nồng nhiệt của người Việt trong những chuyến đi này.
Video: Đại sứ Daniel Kritenbrink gửi lời chào người dân Việt Nam bằng tiếng Việt.
Đại sứ khẳng định, trong hơn 20 năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, ngoại giao nhân dân và an ninh quốc phòng.
"Tôi mong muốn được làm việc với tất cả các bạn để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn giữa hai nước chúng ta"- tân Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định.
Gia đình Đại sứ sẽ cùng ông tới Hà Nội và có kế hoạch đi du lịch khắp Việt Nam để tìm hiểu thêm về văn hoá và thưởng thức những món ăn tuyệt vời của Việt Nam.
Trước đó, hôm 4/11, ông Daniel Kritenbrink đã tới Hà Nội để chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới thay thế ông Ted Osius, người gắn bó với Việt Nam suốt 4 năm qua.
Ông Kritenbrink đã trình Quốc thư tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 6/11, trước khi bắt đầu công việc tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng và thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội.
Tân Đại sứ khẳng định, đây là "thời điểm tuyệt vời" để làm việc tại Việt Nam, cho rằng hai quốc gia có nhiều lợi ích chung, bao gồm an ninh, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân.
Đại sứ Kritenbrink, 49 tuổi, là nhà ngoại giao có nhiều năm kinh nghiệm xử lý các vấn đề châu Á.
Ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1994 và gắn bó nhiều năm ở Trung Quốc, với các chức vụ như Tham tán công sứ phụ trách vấn đề chính trị, Phó trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Bắc Kinh, sau đó là Giám đốc cơ quan phụ trách các vấn đề Trung Quốc và Mông Cổ thuộc bộ Ngoại giao Mỹ.
Vào tháng 6/2015, dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Kritenbrink được bổ nhiệm làm Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.
Trước khi tới Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink là cố vấn cấp cao về chính sách Triều Tiên tại bộ Ngoại giao Mỹ.
DT (T/h)