Cô nàng cá voi sát thủ Kalia tại Thủy cung San Diego phô diễn trí thông minh của mình khi dùng mẹo để tóm gọn con chim biển.
Theo The Mirror, câu chuyện bắt đầu khi huấn luyện viên của Kalia phát hiện cô vừa bắt được một con cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì nhai nuốt, con vật ngậm miếng mồi trong miệng và bơi gần về thành bể, nơi rất nhiều con chim biển hiếu kỳ đang đậu lại.
Khi đến nơi, Kalia nhả con cá nhỏ xuống mặt nước và lùi lại phía sau. Cô nàng ngay sau đó thu mình xuống mặt nước, chỉ để lộ phần đầu với cái miệng há to đợi chờ lũ chim “cắn câu”.
Dù lũ chim đói khá bị kích thích bởi miếng mồi ngon ngay trước mắt nhưng chúng vẫn đủ khôn ngoan để hiểu rằng bộ hàm khổng lồ đang nhô lên khỏi mặt nước kia đang chực chờ để đớp gọn chúng nếu thiếu cẩn trọng.
Sau một lúc lưỡng lự, một con chim đã quyết định hành động. Con chim màu xám từ từ tiến gần về phía mặt nước, cố gắng tóm lấy miếng ăn thật nhanh rồi tung cánh bay đi. Tuy nhiên ngay khi con mồi hạ mình xuống, Kalia nhanh chóng phi thân lên tóm gọn con chim chỉ với 1 cú đớp, lũ chim xung quanh sợ hãi bỏ chạy toán loạn.
Hả hê với màn đi săn của mình, Kalia bơi về với đàn của mình. Có vẻ như cô nàng cá voi không đói cho lắm, thay vì tận hưởng chiến lợi phẩm, Kalia chuyền con chim cho những những con cá voi khác. Bầy cá quây quần và đẩy xác con chim xấu số qua lại như đang chơi chuyền cầu vậy.
Chia sẻ với trang Takepart, Brad Hanson, nhà nghiên cứu động vật hoang dã ở Trung tâm sinh vật biển Tây Bắc ở Seattle (Mỹ) chia sẻ, hình thức bẫy chim bằng mồi không phải là một hành vi thường thấy ở các cá thể cá voi sát thủ ngoài tự nhiên. Hành vi này hầu như chỉ xuất hiện ở những con cá voi sống trong môi trường nuôi nhốt.
Thực tế, cá voi sát thủ cũng như các loài cá heo và cá voi khác có tập tính lưu truyền, chỉ dạy các phương pháp săn mồi từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên theo ghi nhận của các nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới thì hành vi này chỉ xuất hiện sau thời gian dài nuôi nhốt, thêm vào đó các cá thể ở các môi trường nuôi nhốt tách biệt, không có bất kỳ liên hệ nào với nhau. Điều này chứng tỏ, hành vi này hoàn toàn tự phát; không do truyền dạy, hướng dẫn. Loài cá này có khả năng tư duy vượt trội, có thể tự sáng tạo ra các phương pháp săn mồi mới thay vì chỉ học hỏi qua bố mẹ.
Ông Hanson cũng chia sẻ, nhiều trường hợp ghi nhận cá voi sát thủ không chỉ săn mồi làm thức ăn. Đôi lúc chúng bắt những con vật nhỏ hơn với mục đích tiêu khiển. Sau thời gian ngắn “chơi đùa” chúng sẽ bỏ mặc con mồi hấp hối giữa đại dương, bơi đi nơi khác kiếm ăn hoặc tìm thú vui mới.
Thông minh và tàn nhẫn, đây chính là lí do tại sao loài cá này lại trở thành hung thần số một của đại dương.
Tôn Vỹ (Tổng hợp)