'Việc cần làm là minh oan cho người bị oan'

'Việc cần làm là minh oan cho người bị oan'

Thứ 6, 22/11/2013 13:37

"Khi có oan, sai, việc cần làm là minh oan cho người bị oan, phối hợp với cơ quan điều tra tìm thủ phạm, bồi thường, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, tổ chức rút kinh nghiệm", ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) nói.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm qua (21/11), vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) một lần nữa được các ĐBQH nhắc đến cùng với những băn khoăn về giải pháp giảm án oan, sai và xác định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan nếu có oan, sai, có ép cung, nhục hình trong quá trình giải quyết vụ án này và quá trình tố tụng hình sự nói chung.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tránh được oan, sai trong thực tế tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để xảy ra oan, sai, nhất là oan đối với người bị kết án với những mức cao nhất (từ 20 năm trở lên, chung thân, tử hình), bức cung, ép cung, dùng nhục hình là không thể chấp nhận được. Nhưng việc xác định có oan, sai, ép cung, nhục hình trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn hay không thì phải tiến hành theo qui định của pháp luật, chứ không thể kết luận vội vàng.

Luật sư - 'Việc cần làm là minh oan cho người bị oan'

Về mặt pháp lý, ông Chấn vẫn chưa được coi là bị oan.

Chánh án TANDTC nhận định, trong vụ án này không thể phủ nhận trách nhiệm liên đới của HĐXX, trách nhiệm của VKSND và khẳng định “oan sai phải bồi thường, vấn đề là không để xảy ra oan, sai và nếu có oan, sai phải khắc phục kịp thời”.

Bổ sung thêm thông tin về phòng, chống oan, sai, ép cung, dùng nhục hình trong điều tra hình sự, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, theo qui định, Thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra oan, sai. Tuy nhiên, Bộ Công an có trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của Cơ quan điều tra nên Bộ đang chỉ đạo tiến hành kiểm điểm lại quá trình điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nếu có oan, sai, hành vi ép cung, nhục hình thì người có trách nhiệm trực tiếp giải quyết vụ án và người đứng đầu các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm, tùy vào mức độ.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thì cho rằng: “Khi có oan, sai, việc cần làm là minh oan cho người bị oan, phối hợp với cơ quan điều tra tìm thủ phạm, bồi thường, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, tổ chức rút kinh nghiệm".

Theo Pháp luật Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.