Việc điều chỉnh giá điện sẽ tính toán kỹ đến tác động lạm phát

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 02/02/2023 19:35

Trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2022, EVN sẽ ước kết quả sản xuất kết quả kinh doanh điện năm 2023 để từ đó, có tính toán giá bán điện bình quân phù hợp.

Tại họp báo Chính phủ chiều 2/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị tăng giá điện và đề xuất phương án.

Ông Hải nhấn mạnh, giá điện có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Hiện việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang thực hiện theo Quyết định 24 ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định 24, nếu thông số đầu vào của khâu phát điện làm giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% trở lên thì giá điện được điều chỉnh tăng và ngược lại, giá sẽ giảm.

Tuy nhiên, do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, do đó, Quyết định 24 cũng quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Kinh tế vĩ mô - Việc điều chỉnh giá điện sẽ tính toán kỹ đến tác động lạm phát

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân của năm 2023 theo đúng các quy định và quy trình tại Quyết định 24.

Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí kinh doanh điện năm 2022 và thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN cũng như báo cáo của các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam… kiểm tra và công bố công khai.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra đó, ông Hải cho biết phía EVN sẽ ước kết quả sản xuất kết quả kinh doanh điện trong năm 2023 và từ đó tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thống kê để đánh giá kỹ tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định trật tự và an toàn xã hội.

Kinh tế vĩ mô - Việc điều chỉnh giá điện sẽ tính toán kỹ đến tác động lạm phát (Hình 2).

Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh giá bán điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan “để rà soát rất kỹ các đề xuất của EVN”.

“Chúng tôi khẳng định việc điều chỉnh giá điện sẽ được đánh giá, tính toán, cân nhắc hết sức đầy đủ đến tác động lạm phát, đời sống người dân, kể cả việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ”, ông Hải nhấn mạnh và cho biết, mức điều chỉnh cũng như thời điểm điều chỉnh đã được quyết định trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Năm 2022, EVN ước tính lỗ ở mức khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng đã giao cho Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất các giải pháp điều chỉnh ngoài việc tăng giá điện.

“Hiện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, rà soát và xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp và báo cáo với Chính phủ”, ông Hải thông tin.

Theo Quyết định 24 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất. Việc này nhằm phản ánh khách quan những biến động chi phí sản xuất. Gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh ngày 20/3/2019, tức gần 4 năm chưa điều chỉnh giá điện.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.