Quy định “thần tốc” gây bất ngờ
Hai ngày trước (4/6), UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 6180 về việc cách ly 21 ngày người từ TP.HCM về đến Đồng Nai, chi phí do người cách ly trả. Điều đáng nói, quy định được thực hiện ngay lập tức từ 0h ngày 5/6 khiến chính quyền, doanh nghiệp và người dân TP.HCM không khỏi bất ngờ.
Tại buổi họp của ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều 4/6, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc tỉnh Đồng Nai có văn bản cách ly y tế với người về từ TP.HCM sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các khu chế xuất – khu công nghiệp ở TP.Thủ Đức.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, thời gian qua đã có một số địa phương có văn bản về việc cách ly người về từ TP.HCM. Nhưng mới nhất, việc UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản về việc cách ly y tế với người về từ TP.HCM, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như giao thông, lưu thông hàng hoá của TP.HCM.
“Nếu thực hiện đúng như văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai thì những công nhân này khi trở về sẽ bị cách ly 21 ngày và như vậy nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp đang sản xuất tại TP.HCM trong các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ gặp vấn đề rất lớn. Ngoài ra là còn các ách tắc trong giao thông, vận chuyển hàng hoá”, ông Đức đánh giá.
Ngay trong tối 4/6, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị điều chỉnh phương án hoạt động giao thông vận tải để không làm ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân giữa TP.HCM và Đồng Nai.
Theo UBND TP.HCM, địa phương này có hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đồng thời, một số lượng không nhỏ người dân sinh sống trên địa bàn TP.HCM đang làm việc tại tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, có rất nhiều hàng hoá xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải 2 và hàng hoá vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM. Trong đó, có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thuộc TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.
UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, có phương án kiểm soát hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, cho việc di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và ngược lại để làm việc, đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đã đề ra; không ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân TP.HCM cũng như của tỉnh Đồng Nai.
Đến trưa 5/6, tức chỉ sau nửa ngày thực hiện quy định mới, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 6196 về việc thực hiện các biện pháp trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, quy định phòng chống dịch của Đồng Nai đối với TP.HCM đã “dễ thở” hơn khi yêu cầu chuyên gia, công nhân có xe của doanh nghiệp đưa đón thì phải đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai, danh sách công nhân trên từng xe, điểm dừng đón – trả công nhân trên địa bàn tỉnh bên cạnh quy tắc 5K.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Sonion, khu Công nghệ cao tại TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Nhận được thông tin Đồng Nai nới lỏng một phần đi lại với người về, đến từ TP.HCM, tôi cảm thấy vui mừng, vì hoạt động đi làm của mình cùng nhiều công nhân được trở lại bình thường”.
Quyết định không phù hợp
Nhiều doanh nghiệp thuộc hội Doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM chưa hết băn khoăn với văn bản quy dịnh “thần tốc” của tỉnh Đồng Nai.
Vì hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch nông sản, trong khi phần lớn nhà máy, nguyên liệu của họ ở Đồng Nai, mà nhiều người lao động lại ở TP.HCM.
Còn ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đánh giá, tình trạng chung của các doanh nghiệp đều ở thế bị động trước yêu cầu khắt khe của tỉnh Đồng Nai.
Bởi lẽ, các doanh nghiệp đã xây dựng từng kịch bản ứng phó, nhưng đa số là về nguyên liệu, tổ chức ca kíp, thực hiện 5K. Còn kịch bản cách ly người lao động mà vừa ban hành, thực hiện ngay lập tức thì không thể nào kịp trở tay.
Thậm chí, trong đêm 4/6 đã có hàng trăm doanh nghiệp gọi điện “cầu cứu” đến lãnh đạo văn phòng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).
Hay như đại diện ngành Gỗ, Thủy sản, Da giày, Dệt may,…còn định liên hệ với lãnh đạo Chính phủ để nêu kiến nghị, yêu cầu Đồng Nai có biện pháp khác phù hợp hơn.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng viện Kinh tế Trung ương cảm thấy “rất mừng là do sức ép của xã hội mà tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh, thay đổi quy định cách ly người lao động từ TP.HCM”
“Đây là quyết định mang tính vội vã. Không điều tra tác động kinh tế xã hội, không phân tích thấu đáo tác động đến đời sống người dân mà đưa ra quy định là không phù hợp.
Vì thế, sự việc chắc chắn sẽ là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác. Chúng ta chống dịch Covid-19 nhưng phải tỉnh táo, thận trọng để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bộ Công Thương nhận xét: “Khi ký văn bản, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chưa thể hình dung hết những hệ lụy của việc đưa ra yêu cầu tất cả những người từ TP.HCM phải tự cách ly y tế 21 ngày”.
Số lượng người từ TP.HCM sang làm việc ở Đồng Nai không hề nhỏ. Nhiều người trong số này là các nhà quản lý, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao mà môi trường làm việc không thể chuyển thành trực tuyến.
Việc yêu cầu các đối tượng này phải tự cách ly 21 ngày khi vào Đồng Nai trên thực tế là bất khả thi, tạo nên sự xáo trộn, gián đoạn đối với hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp.
Mặt khác, Đồng Nai là một tỉnh có kim ngạch xuất nhập khẩu rất cao. Năm 2020, xuất khẩu của Đồng Nai đạt 18,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD, cả xuất và nhập khẩu đều đứng hàng thứ 6 cả nước. Một tỷ trọng lớn của số hàng hóa xuất nhập khẩu trên phải thông qua cảng Cát Lái nằm trên địa bàn TP.HCM.
Chưa kể, rất nhiều nhà máy của hai địa phương có mối quan hệ khăng khít với nhau trong chuỗi cung ứng, sản phẩm của nhà máy ở địa phương này là đầu vào của nhà máy ở địa phương kia.
“Nếu quy định tại Quyết định 6180/UBND-KGVX được áp dụng một cách cứng nhắc người lãnh hậu quả trước hết chính là các doanh nghiệp của Đồng Nai, và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm nay chắc chắn sẽ sụt giảm”, ông Trần Thanh Hải dự báo.
Có thể thông cảm phần nào, khi từ đầu mùa dịch đến nay, Đồng Nai mới thực sự "giáp mặt", đứng trước nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương nên có những biện pháp gấp gáp, chưa cân nhắc hết mọi khía cạnh.
Tuy nhiên, đã có nhiều bài học về việc đứt gãy chuỗi cung ứng do biện pháp chống dịch từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng lãnh đạo Đồng Nai dường như chưa kịp đánh giá để rút ra phương án cho địa phương mình.
“Đến nay đã có những văn bản điều chỉnh, những biện pháp nới lỏng để phù hợp với sự vận động của cuộc sống.
Nhưng quan trọng hơn, sau những bài học của Đồng Nai thì liệu sẽ còn địa phương nào đưa ra những biện pháp chống dịch theo kiểu "phanh gấp" thế này nữa hay không?”, ông Hải nhấn mạnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)