Ðể góp phần giải thích những băn khoăn, thắc mắc của dư luận chung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN BÙI QUANG TIÊN.
Vụ trưởng Bùi Quang Tiên: Ðể tạo dựng và duy trì hoạt động hệ thống ATM, các ngân hàng phải chịu rất nhiều chi phí khác nhau: Mua sắm, lắp đặt ATM và các thiết bị phụ trợ đi kèm (buồng đặt máy, ca-mê-ra giám sát, điều hòa không khí, hệ thống điện, và nhất là các chi phí nhằm bảo vệ an toàn cho ATM và bảo mật dữ liệu cho khách hàng...); thuê bảo trì, bảo dưỡng ATM định kỳ; mua phần mềm và đầu tư hệ thống máy chủ, máy trạm phục vụ công tác quản lý và thực hiện dịch vụ thẻ; thuê địa điểm đặt ATM, đường truyền viễn thông; chi phí xe cộ, nhân công áp tải tiền để thường xuyên thực hiện việc tiếp quỹ cho các ATM.
Ðặc biệt là phải để một lượng tiền mặt lớn, không sinh lời tại két tiền ATM và dự trữ một lượng tiền "chết" nữa để phục vụ thường xuyên cho công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM. Ngoài ra, các ngân hàng còn phải bố trí bộ phận túc trực để giải quyết sự cố, thắc mắc của khách hàng. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, chi phí bình quân cho mỗi giao dịch ATM từ 8.400 đến 9.200 đồng trong điều kiện hiện nay. Cho nên theo phản ánh của hầu hết các ngân hàng thương mại thì họ đều không có lãi trong dịch vụ ATM.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc để trong tài khoản một số tiền lớn và hưởng lãi suất không kỳ hạn (2%/năm) đã tạo cho ngân hàng một khoản lợi nhuận lớn. Do đó, quyết định của NHNN về việc quy định thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa từ tháng 3-2013 là chưa hợp lý. Ðồng chí bình luận gì về điều này?
Vụ trưởng Bùi Quang Tiên: Hiện nay, vẫn có một số ý kiến cho rằng, các ngân hàng được hưởng lợi lớn từ tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp của chủ thẻ. Hiểu như vậy là chưa đúng với thực tế, bởi vì, các ngân hàng cũng phải để một lượng tiền mặt lớn tại các máy ATM và cần dự trữ một lượng tiền lớn nữa để phục vụ thường xuyên công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM. Cho nên số tiền mà ngân hàng thương mại có thể sử dụng được để cho vay lấy lãi chỉ còn là một phần rất nhỏ trên tổng số dư tiền gửi của chủ thẻ. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp tiện ích trên ATM cho khách hàng có thể chuyển một phần tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất thị trường.
PV: Liên quan việc sẽ thu phí rút tiền cho mỗi lần giao dịch, nhiều người dân lo ngại các ngân hàng sẽ khống chế số tiền rút để buộc người dân phải rút làm nhiều lần, đồng nghĩa chi phí rút tiền cũng tăng lên. Vậy NHNN có cách nào để bảo vệ quyền lợi của người dân mỗi khi rút tiền?
Vụ trưởng Bùi Quang Tiên: Ðúng là thực tế nảy sinh có một bộ phận người dân (dù chỉ là thiểu số) lo lắng đến việc hạn mức rút tiền của các ngân hàng có thể hạ thấp trong thời gian tới. Trước vấn đề này, NHNN đã quy định trong Thông tư 36/TT-NHNN như sau: "Các tổ chức cung ứng dịch vụ thẻ không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn hai triệu đồng". Ðây là mức sàn thấp nhất, do đó, tùy chiến lược cạnh tranh và chính sách khách hàng, nhiều ngân hàng sẽ lựa chọn mức cao hơn để tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho khách hàng.
PV: Hiện tại, chất lượng dịch vụ của ngân hàng tại các cây ATM còn kém, vậy NHNN có biện pháp gì để kiểm soát chất lượng dịch vụ của các ngân hàng để bảo đảm chất lượng phải tương xứng với chi phí dịch vụ khi cho phép thu phí giao dịch nội mạng?
Vụ trưởng Bùi Quang Tiên: Ðể tăng cường trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với việc áp dụng quy định mới về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa theo Thông tư số 35/TT-NHNN ngày 28-12-2012, NHNN cùng ngày đã đồng thời ban hành Thông tư số 36/TT-NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của ATM. Theo đó quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM như: ATM phải trang bị ca-mê-ra, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ... cũng như trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán để bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM cho khách hàng. NHNN cũng giao cho các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các ngân hàng thương mại.
PV: Thực tế hiện nay, có một bộ phận người dân lao động nghèo, học sinh, sinh viên có thu nhập thấp lo lắng việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Theo đồng chí, để việc thu phí dịch vụ thẻ không tạo thêm áp lực kinh tế cho người dân lao động nghèo, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại có hướng xử lý như thế nào để họ không bị thiệt thòi?
Vụ trưởng Bùi Quang Tiên: Theo quy định tại Bộ luật Lao động, lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng thì về nguyên tắc, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Ðể giải quyết lo ngại của người có thu nhập thấp, NHNN đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ phải rà soát lại hợp đồng với các doanh nghiệp về việc trả lương cho công nhân qua tài khoản và tại Ðiều 7, Thông tư 35 cũng có quy định tổ chức phát hành thẻ cần phân loại đối tượng khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với sinh viên nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông
Theo Hồng Anh
báo Nhân dân