Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18/8 cho biết rằng hoạt động quân sự của Ukraine tại vùng Kursk của Nga nhằm mục đích thiết lập một "vùng đệm" để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Moscow.
Kể từ ngày 6/8, các lực lượng Ukraine được cho là đã phá hủy 2 cây cầu quan trọng và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Nga. Xa hơn về phía Nam, cũng đã có "hoạt động quân sự dữ dội" gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, khiến cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc là IAEA cảnh báo về tình trạng an toàn đang xấu đi.
Về phần mình, Nga đã bác bỏ thông tin rằng cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào vùng Kursk đã làm chệch hướng các cuộc thảo luận "bí mật" về việc ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Cụ thể, tờ Washington Post đưa tin hôm 17/8 rằng hai bên đã chuẩn bị cử phái đoàn đến Qatar trong tháng này để đàm phán một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng và điện.
Báo Mỹ cho biết, thỏa thuận này sẽ tương đương với lệnh ngừng bắn một phần, và các cuộc đàm phán trực tuyến qua liên kết video đã được lên lịch vào ngày 22/8. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy.
Câu hỏi đặt ra khi Ukraine tạo "vùng đệm" tại Nga là liệu Belarus có phải mục tiêu tiếp theo không? Hôm 18/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng 1/3 lực lượng vũ trang của nước này đã được triển khai dọc theo biên giới với Ukraine.
Ông Lukashenko, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết động thái của Minsk là nhằm đáp trả việc Kiev triển khai 120.000 quân ở phía biên giới của mình. Ông Lukashenko cũng cho biết biên giới Belarus-Ukraine đã được rải rất nhiều mìn, cảnh báo rằng quân đội Ukraine sẽ phải chịu tổn thất rất lớn nếu họ cố vượt qua.
Các quan chức Ukraine đã hạ thấp tình hình. Ông Andriy Demchenko, người phát ngôn của cơ quan biên phòng Ukraine, đã phủ nhận việc nhận thấy bất kỳ sự gia tăng nào về đơn vị hoặc thiết bị của Belarus tại biên giới và chỉ trích ông Lukashenko vì "liên tục leo thang tình hình một cách đều đặn".
Theo GZero Media, cần theo dõi xem liệu Belarus có đang "nói suông" hay không, hay liệu điều này có thể mở ra một mặt trận khác trong cuộc chiến hay không – và việc mở rộng mặt trận đến Belarus sẽ có ý nghĩa gì đối với các quốc gia thành viên NATO trong khu vực này như Ba Lan.
Một số diễn biến đáng chú ý khác ở Nga và Ukraine:
- Trong bài phát biểu hàng đêm hôm 18/8, ông Zelensky khen ngợi quân đội Ukraine vì "các hoạt động của họ ở khu vực Kursk" trong khi than thở về tốc độ tiếp tế từ các đồng minh phương Tây của Kiev. Nhà lãnh đạo Ukraine đặc biệt nhắm vào Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp vì thiếu sự hỗ trợ.
"Không có ngày lễ nào trong chiến tranh", ông Zelensky nói trong bài phát biểu trước toàn quốc. "Chúng ta cần các quyết định — chúng ta cần hậu cần kịp thời cho các gói viện trợ đã hứa. Tôi đang nói riêng đến Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp. Ngoài ra, những tuần làm việc ngoại giao quan trọng đang ở phía trước, liên quan đến nhiều đối tác khác nhau. Châu Âu, Châu Mỹ, Nam Bán cầu".
- Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/8 đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày tới Azerbaijan, các hãng thông tấn tại Moscow đưa tin. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới quốc gia vùng Kavkaz sau 6 năm.
Truyền hình Nga phát sóng hình ảnh máy bay của Tổng thống Nga hạ cánh xuống thủ đô Baku của Azerbaijan. Ông Putin dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về quan hệ song phương và "các vấn đề quốc tế và khu vực", Điện Kremlin cho biết.
Azerbaijan là một nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn, với việc một số nước châu Âu hiện đang mua khí đốt từ nước này trong nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Đầu năm nay, EU đã đề xuất thay thế khí đốt Nga đang quá cảnh qua đường ống ở Ukraine bằng nguồn cung từ Azerbaijan, hiện đang đến qua đường ống ở Nam Âu. Thỏa thuận quá cảnh giữa Kiev và Moscow,cho phép khí đốt Nga chảy qua lãnh thổ Ukraine tới châu Âu, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Minh Đức (Theo GZero Media, DW)