Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng Sáu, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, có 6 bé phải thở máy và trong tình trạng bệnh nặng.
Không chỉ tại Việt Nam, như VTV đưa tin, Hàn Quốc cũng vừa đưa ra cảnh báo về bệnh viêm não Nhật Bản khi giới chức y tế nước này phát hiện số lượng muỗi mang virus viêm não Nhật Bản tại Busan. Cảnh báo được ban hành sớm hơn 2 tuần so với năm 2016.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thông tin, khi bị muỗi mang virus viêm não Nhật Bản đốt, nạn nhân có thể chỉ sốt và đau đầu. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển thành viêm não cấp, có tỉ lệ tử vong là 30%. Tại Hàn Quốc, đã có 128 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản trong 5 năm qua, trong đó có 17 người đã tử vong.
Hiện đang vào mùa của viêm não Nhật Bản, các chuyên gia y tế khuyến cáo căn bệnh này rất nguy hiểm với trẻ và nguy cơ tử vong cao, các bậc phụ huynh không nên chủ quan. Viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỉ lệ trên 90% số ca mắc).
Trước cảnh báo trên, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đã đưa ra những tư vấn để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này:
* Ngăn không cho muỗi đốt: Mùa hè, nhiệt độ cao, mưa nhiều chính là điều kiện để muỗi truyền virus viêm não Nhật Bản sinh sôi nảy nở. Trẻ bị mắc viêm não Nhật Bản do bị muỗi truyền bệnh đốt. Vì thế, việc đầu tiên để không bị mắc viêm não Nhật Bản là người dân cần ngăn không cho muỗi đốt.
* Giữ nhà cửa thoáng mát: Việc làm này rất quan trọng. Cần loại trừ hết các ổ gây muỗi như các hố nước đọng, chum, vại chứa nước phải được đậy kín. Các bậc phụ huynh lưu ý thường xuyên vệ sinh chân tay cho trẻ và cho trẻ ăn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
* Cho trẻ tránh xa khu chăn nuôi: Nơi cư ngụ chủ yếu của virus gây viêm não Nhật Bản chính là lợn. Vì thế, ở các vùng nông thôn cần chú ý không cho con chơi gần chuồng lợn, chuồng bò. Đặc biệt vào lúc chiều, tối, là thời điểm muỗi truyền bệnh đốt nhiều nhất.
* Tiêm chủng: Tiêm chủng là biện pháp quan trọng nhất để trẻ phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Vì thế, trẻ từ 1 tuổi trở lên phải được tiêm phòng đủ 3 mũi, sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần. Đây chính là điều mà các cha mẹ cần hết sức lưu ý. Vì nhiều cha mẹ mới tiêm cho con 1 - 2 mũi, một thời gian sau quên lịch tiêm nhắc lại nên không hiệu quả. Khi bị viêm não Nhật Bản, tỉ lệ tử vong lên tới 30% và 80% sẽ bị di chứng như câm, điếc, liệt, thần kinh.
N.Giang