Israel đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực ở miền Nam đất nước và giáp với Dải Gaza, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF - Quân đội Israel) tuyên bố hôm 10/10, 4 ngày sau cuộc tấn công bất ngờ trên nhiều mặt trận của các chiến binh phong trào Hồi giáo Hamas.
Quân đội Israel cho biết, hàng chục máy bay chiến đấu của họ đã tấn công hơn 200 mục tiêu trong đêm tại một khu vực lân cận của thành phố Gaza mà họ cho rằng đã được Hamas sử dụng để phát động làn sóng tấn công chưa từng có.
Khi cuộc chiến bước sang ngày thứ năm, Đài Al Jazeera cho biết, ít nhất 900 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza, trong khi đó số người thiệt mạng ở Israel lên tới 1.200 người.
Còi báo động cảnh báo về hỏa tiễn đang bay tới rền vang suốt đêm trong các cộng đồng Israel gần Gaza. Các cuộc không kích của Israel đã nhằm vào các ngôi nhà ở thành phố Gaza, thành phố Khan Younis phía Nam và trại tị nạn Bureij ở trung tâm Gaza, truyền thông Palestine đưa tin.
Trong một cuộc không kích ở Khan Younis, 2 thành viên cấp cao của Hamas, bao gồm ông Jawad Abu Shammala và ông Zakaria Abu Maamar, đã thiệt mạng, một quan chức Hamas cho biết. Đây là những thành viên cấp cao đầu tiên của Hamas thiệt mạng kể từ khi Israel bắt đầu tấn công khu vực này.
“Hamas muốn có một sự thay đổi và họ sẽ có được một sự thay đổi. Những gì từng có ở Gaza sẽ không còn nữa”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố. “Chúng tôi bắt đầu cuộc tấn công từ trên không, sau này chúng tôi cũng sẽ tấn công từ mặt đất. Chúng tôi đã kiểm soát khu vực này kể từ ngày thứ 2 và chúng tôi đang tấn công. Nó sẽ chỉ tăng cường hơn nữa”.
Israel đã rút quân khỏi Gaza vào năm 2005 sau 38 năm kiểm soát dải đất hẹp có diện tích 365 km2 nằm bên bờ Địa Trung Hải, và phong tỏa khu vực này kể từ khi Hamas nắm quyền ở đây vào năm 2007.
Cuộc bao vây mà Israel công bố hôm 9/10 sẽ khiến khu vực này – nằm giáp với biên giới phía Nam nước này – không còn lương thực và nhiên liệu.
Ở biên giới phía Bắc của Israel, một loạt tên lửa đã được bắn từ phía Nam Lebanon về phía Israel, khiến Israel phải pháo kích đáp trả, 3 nguồn tin an ninh nói với Reuters.
Ngoài ra, nhiều quả đạn pháo phóng từ lãnh thổ Syria đã rơi xuống các khu vực trống trải ở phía Bắc Israel, IDF cho biết, khiến Israel phải bắn trả.
Những điều này làm dấy lên lo ngại rằng vòng xoáy bạo lực có thể dẫn đến một cuộc chiến rộng hơn trong khu vực.
“Chiến trường 360 độ”
Israel chưa tuyên bố đưa quân vào Dải Gaza, nhưng những diễn biến trên thực địa cho thấy họ đang lên kế hoạch cho “một điều gì đó lớn lao”.
Quân IDF bắn phá Gaza từ trên không, trên đất liền và trên biển. Họ xây dựng một căn cứ ngay sát dải đất này để đồn trú hàng vạn binh sĩ, trong khi các đoàn xe tăng của Israel tiến về khu vực. Israel cũng đã huy động 300.000 quân dự bị – nhiều nhất trong lịch sử.
“Israel sẽ đáp trả rất nghiêm khắc và quyết liệt…”, ông Richard Hecht, một phát ngôn viên của Quân đội Israel, nói với các nhà báo hôm 10/10.
Một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza – Nếu Israel quyết định làm vậy, viễn cảnh sẽ khá ảm đạm. Cuộc tấn công trên bộ sẽ trở nên phức tạp bởi dân số dày đặc của Gaza, mạng lưới đường hầm chằng chịt dưới lòng đất, và mối nguy hiểm mà nó sẽ gây ra cho những người đang bị Hamas bắt làm con tin.
Nó sẽ mang lại thương vong nặng nề cho cả 2 bên, và đặt ra câu hỏi liệu Israel có thể đưa ra chiến lược thoát khỏi cuộc xung đột hay không.
Nó cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng lan tỏa khắp Trung Đông, gây nguy hiểm cho mối quan hệ hữu nghị mong manh của quốc gia Do Thái với các nước láng giềng Ả Rập, và làm tăng nguy cơ xung đột leo thang thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn.
“Các cuộc tấn công trước hết sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và quân đội của Hamas, với hỏa lực đến từ khắp mọi nơi, đồng thời quân đội sẽ chuẩn bị tiến vào Gaza”, ông Alexander Grinberg, chuyên gia tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem (JISS), cho biết khi hình dung về cuộc tấn công trên bộ tiềm năng vào khu vực này.
Cuộc chiến đô thị như vậy sẽ buộc các chiến binh phải chiến đấu tay đôi, giảm tầm nhìn, tăng nguy cơ mắc bẫy, làm mờ ranh giới giữa dân thường và binh lính và khiến xe bọc thép trở nên vô dụng, ông nói.
Chiến đấu trong thành phố là “chiến trường 360 độ vì các mối đe dọa có thể ở xung quanh bạn”, ông Andrew Galer, cựu sĩ quan quân đội Anh, hiện là nhà phân tích của công ty tình báo tư nhân Janes, cho biết.
Việc di chuyển từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác để rà soát các cạm bẫy tiềm năng đồng nghĩa với việc cử các chuyên gia xử lý bom mìn với các thiết bị cồng kềnh như thang, dây thừng và chất nổ. Và tất cả các hoạt động chuyên môn của họ đều diễn ra trong bóng tối, với hỏa lực ngay trên đầu, ông Galer cho biết.
“Việc sử dụng pháo binh có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, vì mặc dù nó có thể tiêu diệt một số quân phòng thủ, nhưng đống đổ nát lại giúp họ ẩn náu”, gây khó khăn trong nhận thức tình huống và hoạt động tấn công, vị chuyên gia chỉ ra.
“Gaza dưới lòng đất”
Khoảng 2,3 triệu cư dân ở Gaza đã sống dưới sự phong tỏa của Israel kể từ năm 2007. Mạng lưới đường phố chật hẹp, đông đúc ở đây được “nhân đôi” dưới lòng đất với một mạng lưới đường hầm dày đặc được Quân đội Israel gọi là “Gaza dưới lòng đất”.
Khu vực biên giới dài 14 km của Gaza với Ai Cập từng có hàng trăm đường hầm được sử dụng để đưa các tay súng vào và ra khỏi đây, cũng như vận chuyển vũ khí và các loại hàng lậu khác.
Mặc dù nhiều đường hầm hiện đã bị phá hủy, nhưng kể từ năm 2014, Hamas đã “rót” hàng triệu USD vào việc xây dựng những con đường ngầm để đi vòng quanh lãnh thổ mà họ kiểm soát. Một số đường hầm sâu tới 30-40 m dưới mặt đất, cho phép phiến quân thay đổi vị trí để tránh nguy cơ bị tấn công.
Các khẩu đội tên lửa, được bố trí cách mặt đất chỉ vài m, có thể được để lộ ra bằng cửa sập trong khoảng thời gian đủ để bắn một loạt đạn.
Quân đội và tình báo Israel chắc chắn biết về một phần của mạng lưới hầm ngầm và đã bắn phá dữ dội các cứ điểm dưới lòng đất mà họ phát hiện được vào năm 2021. Tuy nhiên, các phần khác vẫn được giữ bí mật. Chúng sẽ khiến bất kỳ hoạt động trên bộ nào của quân IDF ở Gaza trở nên khó khăn hơn.
Hamas “thuộc lòng đường hầm của mình”, ông Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Soufan có trụ sở tại New York, cho biết.
“Một số đường hầm có lẽ là những chiếc bẫy nguy hiểm. Việc chuẩn bị chiến đấu ở địa hình như vậy… sẽ cần đến thông tin tình báo sâu rộng… mà người Israel có thể không có”, ông Clarke bổ sung.
Giao tranh dưới lòng đất chắc chắn sẽ mang lại lợi thế chiến thuật lớn cho lực lượng phòng thủ Hamas và ban lãnh đạo của họ, mặc dù các công nghệ như robot có thể có lợi cho lực lượng tấn công, ông Grinberg tại tổ chức tư vấn JISS cho biết.
“Mọi người đều biết sẽ còn lâu dài, khó khăn và có nhiều tổn thất”, ông Grinberg nói.
Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg, AFP/Digital Journal)