Tiêu chuẩn, hình thức tuyển dụng
Viên chức là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, trong đó có những trường hợp được xem xét đặc cách vào viên chức.
Tuyển dụng viên chức là việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, để được đăng ký dự tuyển viên chức phải đáp ứng các điều kiện nêu tại điều 22 Luật Viên chức năm 2010 gồm: Có quốc tịch Việt Nam và cư trú ở Việt Nam; Có đơn đăng ký dự tuyển, có lý lịch rõ ràng; Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, hành nghề hoặc năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm. Trong đó, không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập; Có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ…
Hiện nay, theo quy định tại điều 23 Luật Viên chức, viên chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Và việc tuyển dụng theo hình thức nào sẽ do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định (theo điều 5 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ).
- Thi tuyển viên chức: Thực hiện theo 2 vòng với vòng 1 là thi trắc nghiệm trên máy nội dung kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; vòng 2 là thi môn nghiệp vụ chuyên ngành về kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ gắn với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
- Xét tuyển viên chức: Cũng thực hiện theo 2 vòng. Trong đó, vòng 1 là kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn trong phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm; vòng 2 là phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Ngoài hai hình thức trên, tại khoản 7, điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng còn có thể xem xét tiếp nhận đặc biệt một số trường hợp cụ thể.
Như vậy, có thể thấy, hiện nay có 3 hình thức tuyển dụng viên chức là thi tuyển, xét tuyển và trường hợp đặc biệt được tiếp nhận.
Không phải mọi viên chức được tuyển dụng đều phải tập sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Viên chức năm 2010, người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian từ 3 đến 12 tháng để làm quen với công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Tuy nhiên, cũng tại quy định này, trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng thì không phải tập sự.
Để hướng dẫn cụ thể hơn về quy định trên, Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV có nêu rõ các điều kiện để người trúng tuyển viên chức được miễn tập sự:
- Đã có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên.
- Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên đã làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Như vậy, có thể thấy, không phải bắt buộc mọi trường hợp trúng tuyển viên chức đều phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian từ 3 đến 12 tháng (theo khoản 2 Điều 27 Luật Viên chức).
Hoàn thành tập sự, viên chức có thể không được tuyển dụng?
Theo Điều 23 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, khi hết thời gian tập sự, người tập sự phải báo cáo kết quả bằng văn bản theo các nội dung:
- Nắm vững quy định của Luật Viên chức về quyền, nghĩa vụ của viên chức, những việc viên chức không được làm.
- Nắm vững cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; nội quy, quy chế làm việc của nơi làm việc cũng như chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm được tuyển dụng.
- Tập giải quyết, thực hiện công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng…
Nếu người tập sự đạt yêu cầu thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền quản lý viên chức ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Ngược lại, nếu không đạt yêu cầu thì theo quy định tại Điều 24 Nghị định 29, viên chức tập sự sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc. Đây cũng là quy định mới được bổ sung vào Luật Viên chức bởi khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).
Theo đó, hiện nay, Luật Viên chức đang có hiệu lực không hề đề cập đến kết quả sau khi thực hiện báo cáo tập sự. Nhưng khi sửa đổi, nhằm đồng bộ hóa các quy định cũng như dễ dàng cho đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng pháp luật, quy định này đã được chính thức Luật hóa.
Ngoài ra, theo Điều 24 Nghị định 29, còn một trường hợp người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc là khi người này bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Như vậy, theo quy định hiện hành, có 2 trường hợp viên chức tập sự không được tuyển dụng sau khi hoàn thành xong thời gian tập sự là không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự và bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Hoàng Mai