Ngày 14/9/1922, toàn quyền Đông Dương đã ký sắc lệnh thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương.
Vào năm 1930, Tổng thống Pháp quyết định nâng cấp thành Viện Hải dương học Đông Dương, với mục tiêu khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật kết hợp với việc đánh cá thí điểm tại biển Đông bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời, triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản.
Viện được đổi tên là Viện Hải dương học Nha Trang vào năm 1952, sau đó là Hải học viện Nha Trang. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng và Viện Nghiên cứu biển Nha Trang được sát nhập trên cơ sở thống nhất về nghiên cứu biển của cả nước với trụ sở chính tại Tp.Nha Trang.
Từ năm 1993, Viện chính thức được mang tên Viện Hải dương học với trụ sở chính ở Tp.Nha Trang và 2 phân viện ở Hà Nội và Hải Phòng. Hai phân viện tách ra thành các Viện độc lập với tên gọi riêng từ năm 2001. Từ đó đến nay, Viện Hải dương học là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về biển, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, trải qua một thế kỷ hoạt động và phát triển, Viện Hải dương học đã có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ biển, đóng góp to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.
Trong suốt 100 năm qua, Viện Hải dương học luôn đóng vai trò là cơ quan tiên phong trong nghiên cứu hải dương học và điều tra tài nguyên – môi trường biển trên Biển Đông.
Viện Hải dương học đóng tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngoài trụ sở làm việc, nghiên cứu; Viện có các hợp phần khác bao gồm Bảo tàng Hải dương học, Trạm quan trắc tài nguyên và môi trường biển miền Nam tại Nha Trang, Trạm quan trắc môi trường biển Cần Giờ tại Tp.Hồ Chí Minh và các cơ sở thực nghiệm.
Viện có 11 phòng nghiên cứu chuyên sâu, 2 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về “Nghiên cứu Sinh học - Động lực học biển” và “an toàn thực phẩm và môi trường (khu vực miền Trung)”. Bảo tàng Hải dương học với các thiết bị, máy móc đồng bộ và hiện đại nhằm thực hiện tốt chiến lược khoa học và công nghệ biển của đất nước.
Về nguồn nhân lực, Viện Hải dương học có đội ngũ cán bộ nghiên cứu được đào tạo chính quy với tổng số 123 viên chức; bao gồm 2 giáo sư, 2 phó giáo sư, 19 tiến sĩ và 40 thạc sĩ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chúc mừng Viện Hải dương học với hành trình 100 năm. Vượt qua những khó khăn, Viện đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và khẳng định uy tín nghiên cứu biển trong khu vực cũng như toàn cầu. Đồng thời, ghi nhận, cảm ơn đóng góp của các thế hệ những nhà nghiên cứu, cán bộ, nhân viên của Viện vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng cũng mong các nhà khoa học của Viện Hải dương học sẽ luôn làm tốt trọng trách của mình. Không chỉ gìn giữ, kế thừa những thành tựu trước đó mà còn phát triển, xây dựng Viện lên một tầm cao mới trong sự nghiệp nghiên cứu biển của quốc gia.
Từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, gìn giữ hòa bình, ổn định và hợp tác trên biển Đông cũng như các vùng biển khác.
Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, các kết quả nghiên cứu trong suốt lịch sử phát triển của Viện Hải dương học đã cung cấp những dẫn liệu khoa học cơ bản về điều kiện tự nhiên, các quá trình hải dương học, các hệ sinh thái, hiện trạng môi trường, khu hệ sinh vật, nguồn lợi ở biển Đông.
Hướng nghiên cứu khoa học cơ bản định hướng ứng dụng của Viện đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý tài nguyên và môi trường biển.
Bên cạnh đó, các hoạt động khoa học của Viện Hải dương học đã đóng góp vào sự hiểu biết các quy luật của biển Việt Nam nói riêng và biển Đông nói chung.
Các kết quả này không chỉ giúp Viện Hải dương học nâng cao vị thế, vai trò của mình mà còn đóng góp vào sự phát triển của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, của tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, góp phần thúc đẩy giáo dục về biển, đại dương của Việt Nam; mở rộng hợp tác và tăng cường hội nhập quốc tế.
Dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất cho Viện Hải dương học vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021; tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tại lễ kỷ niệm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ. UBND tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen cho 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng Viện Hải dương học và tỉnh.
Clip: Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Viện Hải dương học.
Châu Tường