Mới đây, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã ký kháng nghị đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm vụ án liên quan tới công ty VN Pharma theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Bởi, vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội.
Theo VKS, mức án mà cấp tòa sơ thẩm tuyên phạt đối với các bị cáo quá nhẹ, chưa tương xứng với mức độ hành vi phạm tội, gây bức xúc trong dư luận. Để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, cần thiết phải điều tra lại một cách toàn diện. Đồng thời, cần giám định lại lô thuốc mà cục Quản lý Dược cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu được giám định là “thuốc không sử dụng cho người”.
Kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong cục Quản lý Dược, bộ Y tế liên quan đến việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg.
Theo đó, ngày 17/12/2014, bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg với thành phần gồm 10 người, do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng cục Quản lý Dược làm Chủ tịch Hội đồng.
Ông Đông là cấp dưới của ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng cục Quản lý Dược - người đã ký văn bản cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô hàng trên là chưa đảm bảo tính khách quan.
Kết luận giám định số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 của Hội đồng giám định bộ Y tế kết luận: “Lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Thành phần tạp chất trong thuốc H-Capita 500mg là 17%, trong khi quy định cho phép không quá 1%".
Căn cứ Điều 2, luật Dược năm 2005 và Điều 4, Nghị định số 08/2013/NĐ-CP quy định: “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”.
Tại khoản 24, Điều 2, luật Dược năm 2005 quy định: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất; có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác".
Giám định cho rằng, thuốc này không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người. Thế nhưng, kết luận lại cho rằng, thuốc kém chất lượng mà không kết luận thuốc giả.
Từ những phân tích trên cho thấy, kết luận giám định của bộ Y tế có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.
Bản án của cấp tòa sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên và 3 lô thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của cục Quản lý Dược, bộ Y tế.
Chính việc làm tắc trách của cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo cục Quản lý Dược để xử lý theo pháp luật.
“Cục Quản lý Dược, đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều sai phạm nên đơn vị cần phải bị xem xét trong vụ án. Thế nhưng, đơn vị lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do mình cấp phép... tham gia tố tụng với tư cách giám định viên tư pháp là chưa đảm bảo tính khách quan”, kháng nghị nêu.
Vì vậy, cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật.
Kháng nghị của VKSND Cấp cao còn cho rằng, ngoài lô thuốc H-Capita 500mg, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm còn thực hiện hành vi tương tự đối với 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên Helix Canada và đã được cục Quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp sổ đăng ký lưu hành.
VKSND Cấp cao cho rằng, cần phải điều tra làm rõ để xử lý chung trong một vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, nhằm đánh giá đúng quy mô, tính chất của vụ án.