Có lẽ vì thế mà các nhà làm phim Việt đang dè dặt hơn với kịch bản nước ngoài, trong khi đây là vùng đất nếu biết khai phá sẽ "ươm mầm nảy hạt" rất tốt. Vấn đề đặt ra là khán giả Việt đang quá khó tính với phim Việt hay nhà sản xuất chưa biết cách Việt hóa để hấp dẫn khán giả?
Một cảnh trong bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt. Bộ phim bị "ném đá" vì nhiều chi tiết quá phi lý trong cuộc sống người Việt.
Cứ như “sao” Việt đóng phim... Hàn
Thường thì những bộ phim hay, nổi tiếng, nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả trên toàn thế giới mới được giới làm phim các nước chú ý để mua lại kịch bản về sản xuất. Chính vì vậy mà chưa cần biết các đạo diễn nhào nặn thế nào, cải biến ra sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục nước mình, thì đại đa số khán giả yêu thích bộ phim đó đã phát "sốt". Có được hiệu ứng ban đầu như vậy coi như nhà sản xuất đã thành công một nửa, chỉ cần làm tốt nội dung phim nữa là sẽ có được kết quả mỹ mãn.
Bộ phim thần tượng Vườn sao băng được chuyển thể từ bộ truyện tranh ăn khách Con nhà giàu (Nhật) là một ví dụ. Đây cũng là một trong những bộ phim được làm lại nhiều nhất khi có tới bốn phiên bản của bốn hãng làm phim lớn (của nhiều nước) khác nhau: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; trong đó đến ba phiên bản có tận hai phần. Một điều kỳ lạ là, ở bất kỳ phiên bản nào, bộ phim cũng giành được thành công vang dội và lăng-xê tên tuổi cho hàng loạt diễn viên trẻ. Mặc dù không thể tránh khỏi những so sánh giữa các phiên bản nhưng nhìn chung tất cả đều khiến khán giả hồi hộp chờ đợi.
Sở dĩ làm được điều này là bởi bốn phim tuy có cùng cốt truyện, nhưng lại phát triển nội dung theo những hướng khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh xã hội từng quốc gia và để lại dấu ấn riêng, khiến khán giả xem đi xem lại vẫn chẳng thấy ngán ngẩm. Ngoài Vườn sao băng thì những bộ phim được các nước (chủ yếu là Trung - Hàn) làm đi làm lại thành công phải kể đến là Hana Kimi, You're beautiful, Trái tim mùa thu, Ngôi nhà hạnh phúc...
Các nhà làm phim Việt cũng rất thức thời, trong việc mua lại bản quyền các bộ phim ấn tượng của bạn bè quốc tế để thai nghén lại, thành đứa con tinh thần của mình. Cách đây một vài năm, khán giả trong nước đã được dịp theo dõi hàng loạt các bộ phim được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài trên sóng truyền hình như Có lẽ ta yêu nhau, Anh em nhà bác sĩ, Ngôi nhà hạnh phúc, Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Cô nàng bất đắc dĩ, Lẵng hoa tình yêu... Những bộ phim này còn rất được ưu ái khi đa số đều xuất hiện trên các giờ vàng với dung lượng không hề nhỏ, từ vài chục cho đến vài trăm tập.
Tuy nhiên, tình trạng chung của các bộ phim Việt hóa vẫn là ở mức độ "chưa tới". Khán giả đều rất mệt mỏi khi những chi tiết nhỏ nhặt được kéo dài lê thê còn những cảnh quay cốt lõi, đắt giá lại được làm quá sơ sài. Ai đã từng theo dõi bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc đình đám của điện ảnh Hàn Quốc đều rất hào hứng khi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tuyên bố mang nó về Việt Nam. Nhưng thất vọng thay, sau màn quảng bá rầm rộ thì dư âm mà bộ phim Việt hóa này để lại chỉ là những lời so sánh, chê bai từ khán giả.
Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt chưa thành công do có nhiều "hạt sạn" nhưng có lẽ sai lầm nhất của nhà sản xuất vẫn là chưa đem được cái hồn Việt vào phim. Khán giả có thể dễ dàng nhận thấy sự gượng ép đến vô lý với cuộc sống trong nước khi nữ chính làm cơm cuộn mang đến cho nam chính; rồi nữ chính hơn 20 tuổi mà vẫn chưa biết đi xe đạp hay bị người bạn thân lừa lấy giấy tờ nhà rồi bán đi một cách dễ dàng..., những điều hết sức vô lý trong xã hội Việt. Có ý kiến cho rằng Việt hóa kiểu đó cứ như “sao” Việt đóng phim Hàn, chứ không phải đã được Việt hóa.
Đạo diễn Khải Hưng cho rằng nếu làm tốt thì những bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài sẽ trở thành món ăn mới của điện ảnh Việt.
Chưa làm nổi thì đừng có cố
Khi những bộ phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài "làm mưa, làm gió" trên sóng truyền hình, người ta đã tưởng đây là một xu hướng của điện ảnh mới nhưng sự phản ứng của khán giả lại khiến xu hướng này chưa kịp phát triển đã phải chững lại. Bộ phim theo dạng sitcom Những người độc thân vui vẻ làm lại của Trung Quốc từng được nhiều người đón đợi với dự định quay 500 tập nhưng đến tập 171 đã phải ngừng phát sóng vì "không ai xem"... Những bộ phim như Cô gái xấu xí, Cô nàng bất đắc dĩ... cũng chỉ gây được ấn tượng trong mấy tập đầu rồi sau đó lại đi vào "lối mòn" là dài dòng, nhảm nhí. Có lẽ điều khó nhất khi chuyển thể là phải chuyển toàn bộ hệ thống nhân vật, hệ thống tính cách và tinh thần của câu chuyện sang tính cách người Việt vì văn hoá và cách xử sự, ứng xử mỗi nước khác nhau đã làm cho các nhà sản xuất lúng túng.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết: "Khi chuyển thể phim nước ngoài, người đạo diễn sẽ bị mang tiếng, tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt. Họ ngại bị so sánh với bản gốc và đương nhiên trong phần kịch bản sẽ phải đề tên tác giả nước ngoài. Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ vấn đề này là hoàn toàn bình thường, không sao cả. Nhà sản xuất có thể mua kịch bản rồi đứng tên, điều đó không quan trọng, vấn đề chính là những người thực hiện làm sao phải Việt hoá được tác phẩm đó. Chúng ta có rất nhiều phim lấy kịch bản của nước ngoài, nhưng khi chiếu lên, ta thấy tính cách Việt và cách ứng xử của người Việt không phải như vậy. Đã có rất nhiều những bộ phim ngày xưa và những bộ phim ăn khách khác chuyển thể từ phim nước ngoài đều không có được thành công như mong đợi.
Trong mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau sẽ phản ánh văn hoá sở tại, văn hoá của mỗi một dân tộc nên để Việt hoá sao cho khán giả chấp nhận được là điều không hề dễ". Có ý kiến cho rằng, gượng ép về nội dung quá, khán giả thấy phi lý, khác gì đang nhai cơm có... sỏi phải nhè ra.
Đạo diễn Khải Hưng lại cho rằng điện ảnh Việt cần có thời gian chuẩn bị và tiềm lực kinh tế để "chế biến" những bộ phim mua lại từ nước ngoài thành món ăn mới; đây sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả cho tình trạng khan hiếm kịch bản như hiện nay.
Ông cho biết: "Đây là vấn đề liên quan đến văn hóa. Văn hóa ở các nước hầu hết đều khác mình nên khi chuyển thể phim nước ngoài thì sẽ có sự cộc kệch và đôi khi người ta viết lại còn tốt hơn nên rất ít nhà làm phim đi chuyển thể những tác phẩm lớn. Khi một bộ phim đã nổi tiếng rồi thì ít người muốn làm lại. Hơn thế nữa, cơ sở vật chất, trình độ và kinh phí làm phim mình bỏ ra sẽ không bằng các phim đã trình chiếu nên mọi người đều ngại trong việc này. Vấn đề khó khăn nhất là phim nước ngoài đã có chỗ đứng, đã nổi tiếng và đi vào lòng người, bây giờ để chuyển thể ngang bằng so với họ đã khó chứ chưa nói đến việc hay hơn. Đây là vấn đề không ai muốn, vì ai làm phim cũng muốn hay hơn bộ phim mình được thấy trước đó chứ không thể chỉ gần bằng họ. Những đạo diễn lâu năm không chọn phương án này, mà chủ yếu là các đạo diễn trẻ. Tôi nghĩ trong tương lai, khi mà chúng ta đủ tự tin, kinh tế vững mạnh, sức khỏe phim ảnh thì chúng ta sẽ chuyển được, đó cũng là cách tạo ra một món ăn mới cho điện ảnh nước nhà".
Tốt nhất là việc ai người ấy làm Việc làm lại các bộ phim nổi tiếng tuy được công chúng chú ý ngay từ đầu nhưng lại rất mạo hiểm bởi sự so sánh với phiên bản gốc là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, môi trường, hoàn cảnh sống của từng quốc gia đòi hỏi các nhà làm phim cũng phải rất khôn khéo và tinh tế trong việc chuyển thể, nếu không sẽ trở thành kệch cỡm. "Có nhiều phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài sang phim Việt, trong đó có cả phim truyền hình. Nhưng kịch bản nước ngoài và kịch bản Việt khác xa nhau về ý tưởng và kinh tế nên dù muốn chuyển thể cũng khó mà thực hiện được. Ví dụ chỉ một cảnh rượt đuổi và đâm nhau trên đường trong phim hành động nước ngoài là phải tốn hàng mấy chục chiếc ô tô ở Việt Nam mà thực hiện những cảnh như thế là hết tiền làm phim luôn. Vậy thì ta chuyển thể làm gì và làm sao làm nổi? Theo tôi tốt nhất là cứ việc của ai người ấy làm. Và, mình là nghệ sĩ phải có sự tự tin và tự hào của chính mình, không nên đi bắt chước hay cóp nhặt của người ta. Dù hay hay dở cũng là phim của người Việt", đạo diễn Võ Hoài Nam chia sẻ. |
Loan Thanh