Doanh nghiệp Việt đòi sòng phẳng!
Theo Quyết định số 5987/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với dầu thực vật đã được Bộ trưởng bộ Công Thương ký, ban hành (có hiệu lực từ ngày 07/9/2013), các mặt hàng dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện (3 mã) nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau sẽ bị áp thuế phá giá.
Sự việc điều tra để tiến đến áp dụng biện pháp tự vệ, áp dụng thuế chống phá giá với sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu được bắt nguồn từ việc Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vicarimex) nộp đơn xin áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với dầu ăn nhập khẩu. Việc khởi xướng vụ việc của Vicarimex cũng nhận được ủng hộ của các doanh nghiệp khác như công ty CP Dầu thực vật Tường An, công ty TNHH Dầu Thực vật Cái Lân, công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè.
Theo Vicarimex, các mặt hàng dầu thực vật xuất xứ từ Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan... tràn ngập thị trường Việt Nam. Giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới công nghiệp sản xuất dầu thực vật trong nước, người lao động mất việc làm là những nguy cơ mà dầu ăn nhập khẩu đem lại.
Doanh nghiệp trong nước luôn lo ngại hàng ngoại cạnh tranh không lành mạnh- Ảnh minh hoạ.
Sự việc này cũng được Bộ Công Thương nhận định là gây ra các thiệt hại nghiêm trọng. Về thị phần, trong giai đoạn 2009- 2011, thị phần của các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước chiếm từ 50- 60%, nhưng đến thời điểm 2012, khi dầu ăn nhập khẩu tràn ngập thị trường, thị phần nói trên chỉ còn là 14%. Đặc biệt với doanh nghiệp khởi xướng đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, trước đây họ có thị phần trên 28% nhưng đến nay chỉ còn chưa đầy 4%.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thùy Dung- Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc các doanh nghiệp của Việt Nam lần đầu tiên thực hiện kiện doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá có thể coi là tín hiệu đáng mừng, cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn trên thương trường quốc tế. Thực tế, những năm qua, chúng ta chỉ thấy doanh nghiệp Việt Nam bị kiện bán phá giá ở thị trường nước ngoài và theo đuổi các vụ kiện khá vất vả, nhưng giờ đây đã có doanh nghiệp Việt Nam chủ động đi kiện và theo đuổi vụ kiện đến cùng. Chỉ rêng năm 2012, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải chịu đến 11 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp lẫn tự vệ.
Công cụ phòng vệ thương mại bị bỏ quên?!
Dư luận trong nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc các doanh nghiệp Việt khởi kiện doanh nghiệp ngoại, song các chuyên gia kinh tế nhận định, việc các doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là dấu hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp nội đang chủ động trong mối quan hệ sòng phẳng và ngang bằng với hoạt động thương mại quốc tế.
LS. Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Lâu nay doanh nghiệp trong nước bỏ quên công cụ phòng vệ thương mại. Trong khi đó, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba tấm lá chắn của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại, được áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự thâm nhập của hàng nhập khẩu. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá đối phó với hành vi bán sản phẩm giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường, tiến tới loại bỏ dần đối thủ cạnh tranh. Biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước, xuất phát từ các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.
Còn biện pháp tự vệ là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Để ngăn chặn hiện tượng lạm dụng biện pháp này, WTO đã quy định các quốc gia thành viên phải tuân thủ việc điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá trong Hiệp định về chống bán phá giá (ADA).
BTV