Ngày 15/11, Hội nghị Tòa Trọng tài thường trực Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Hội Luật quốc tế Việt Nam đồng tổ chức.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, thành viên thường trực Ban Biên tập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trọng tài thương mại sửa đổi, đã nêu một số đánh giá về triển vọng phát triển của phương thức trọng tài thương mại ở Việt Nam.
Theo đó, chuyên gia này cho biết, Việt Nam là điểm đến của các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia đến đầu tư, hợp tác kinh doanh. Cụ thể, theo thống kế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập WTO từ năm 2006 và hàng chục hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP.
Đối với phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài, hiện nay đây đang là xu thế phổ biến. Nhu cầu sử dụng phương thức trọng tài thương mại cũng đang được mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt, theo ông Huệ, nhận thức và thói quen của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội về trọng tài thương mại ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Điều này được thúc đẩy và phản ánh rõ thông qua việc nhiều hãng luật, luật sư, trọng tài viên nước ngoài đã đến Việt Nam, trong đó nổi bật là việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội (tháng 11/2022).
Sự xuất hiện của những nhân tố tích cực này chính là nguồn động lực, cú hích để Việt Nam nỗ lực phát triển thiết chế trọng tài.
Đánh giá về độ mở của hệ thống pháp luật, ông Nguyễn Văn Huệ nhìn nhận Việt Nam có chính sách cởi mở, với khả năng thích nghi cao và hiện đang chủ trương khuyến khích phát triển hoạt động trọng tài.
Hiện nay, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi với mục tiêu xây dựng được thiết chế trọng tài thương mại đáp ứng được các nhu cầu phát mới mới của đất nước; từ đó giúp phương thức trọng tài thương mại hoạt động hiệu quả hơn; tiếp cận tối đa các chuẩn mực quốc tế.
“Chúng ta có cơ sở để có thể lạc quan rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm trọng tài quốc tế tiếp theo trong khu vực. Chúng tôi cũng rất mong muốn và sẽ nỗ lực điều này xảy ra trong tương lai gần”, ông Nguyễn Văn Huệ bày tỏ kỳ vọng.