Ngày 21/10/2024, Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) đã tổ chức thành công Hội nghị Chủ tịch lần thứ 41 tại Viêng Chăn, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào do Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO) chủ trì.
Đây là Hội nghị cấp chủ tịch ACMF thường niên với sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường vốn của mười quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau thúc đẩy mục tiêu chung là thiết lập các thị trường vốn khu vực ASEAN sâu rộng, thanh khoản và hội nhập.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Việt Nam, đoàn công tác do Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã chia sẻ về hành trình phát triển thị trường vốn của Việt Nam. Thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn trẻ, khi bắt đầu với một vài công ty niêm yết, nhưng trong hơn 20 năm qua thị trường đã phát triển đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
"Sự phát triển này không phải diễn ra trong một sớm một chiều. Chúng tôi đã nỗ lực để xây dựng một thị trường cởi mở, minh bạch và công bằng. Bằng cách tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi đã tạo dựng niềm tin từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước", Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh.
Chủ tịch UBCKNN cũng đánh giá công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, để bắt kịp và nắm bắt cơ hội, Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa thị trường, tập trung vào các lĩnh vực như tài chính số, trái phiếu và phái sinh. Phát triển bền vững cũng sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu khi mở rộng thị trường tài chính xanh.
"Bằng cách hợp tác thông qua ACMF, chúng ta có thể xây dựng các thị trường mạnh mẽ và kết nối hơn trong khu vực ASEAN và trở thành những người dẫn đầu về tài chính bền vững", Chủ tịch UBCKNN tin tưởng.
Tại Hội nghị, ACMF đã thông qua Hướng dẫn tài chính chuyển đổi ASEAN (ATFG) Phiên bản 2, cung cấp hướng dẫn bổ sung và làm rõ các loại hình và ứng dụng khác nhau của tài chính chuyển đổi, giúp thống nhất các thuật ngữ và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa các bên tham gia thị trường về những yếu tố tạo nên một nền kinh tế công bằng, chuyển đổi hợp lý, đáng tin cậy và có trật tự sang nền kinh tế carbon thấp.
Đồng thời, ATFG Phiên bản 2 cung cấp hướng dẫn về lộ trình chuyển đổi tham khảo – từ đó hỗ trợ các công ty trong khu vực ASEAN xây dựng kế hoạch chuyển đổi riêng, đồng thời giúp các nhà đầu tư và tổ chức tài chính hiểu và đánh giá giống nhau.
Các lãnh đạo cấp cao của UBCK 10 nước ASEAN đã ghi nhận những tiến bộ đạt được liên quan đến Nghiên cứu thị trường carbon tự nguyện của ASEAN và sự phát triển liên tục của Phân loại ASEAN về tài chính bền vững, cũng như những tiến triển liên quan đến sáng kiến Đề án đầu tư tập thể của ASEAN (CIS).
Bên cạnh đó, các đại biểu tại Hội nghị Chủ tịch ACMF đã ghi nhận những bước phát triển đầy hứa hẹn của từng thành viên về các tiêu chuẩn đối với báo cáo phát triển bền vững, cũng như đánh giá cao việc tiếp tục đối thoại và hợp tác với Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).
Tại diễn đàn, các thành viên ACMF đã chia sẻ thông tin về sự phát triển, chính sách và khung pháp lý đối với tài sản kỹ thuật số. Cụ thể, Cơ quan tiền tệ của Singapore (MAS) và Cơ quan quản lý chứng khoán và giao dịch Campuchia (SERC) chia sẻ kinh nghiệm của họ về cấp phép và giám sát tài sản kỹ thuật số.
Với mong muốn nâng cao hơn nữa các mục tiêu của ACMF về tính bền vững, toàn diện tài chính và khả năng phục hồi trong khu vực, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với các bên liên quan trong và ngoài khu vực, Hội nghị đã thông qua Năm Động lực Chiến lược liên quan đến sự phát triển liên tục của Kế hoạch Hành động ACMF 2026–2030, cụ thể là: (1) Xây dựng một ACMF bền vững và kiên cường hơn; (2) Xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững và kiên cường; (3) Thúc đẩy tính toàn diện và trao quyền tài chính; (4) Tăng cường hội nhập khu vực và định vị toàn cầu; và (5) Thúc đẩy số hóa.
Hội nghị kết thúc với việc chuyển giao chức Chủ tịch ACMF từ Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO), Chủ tịch ACMF 2024, sang Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SCM) năm 2025, với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Philippines (PSEC) làm Phó Chủ tịch.