Việt Nam đã có những chính sách gì hỗ trợ trẻ mắc chứng tự kỷ?

Việt Nam đã có những chính sách gì hỗ trợ trẻ mắc chứng tự kỷ?

Chủ nhật, 02/04/2017 07:07

Việt Nam đã và đang có những chính sách gì để hỗ trợ cho những em nhỏ không may mắc phải chứng tự kỷ?

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, ở Việt Nam có khoảng 200.000 trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Hội chứng này đang là một vấn đề được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới do sự gia tăng đáng lo ngại của số trẻ em mắc phải.

Vậy Việt Nam đã và đang có những chính sách gì để hỗ trợ cho những em nhỏ không may mắc phải chứng tự kỷ. Phóng viên báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với Ths, BS. Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về vấn đề này.

Đời sống - Việt Nam đã có những chính sách gì hỗ trợ trẻ mắc chứng tự kỷ?

 Ths, BS. Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 

PV: Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chứng tự kỷ cũng được coi là một dạng khuyết tật và nhiều quốc gia đã đưa vấn đề trẻ tự kỷ vào trong các điều luật, bộ luật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật quy định trẻ mắc chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật để có các chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ. Xin bà cho biết nhận định của bà ra sao về vấn đề này?

Ths, BS. Vũ Thị Kim Hoa: Trước hết chúng ta cần hiểu tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, bao gồm những khiếm khuyết nặng nề về giao tiếp, khả năng tương tác xã hội, hoạt động bó hẹp. Trẻ tự kỷ điển hình có thể bị rối loạn nhiều kỹ năng phát triển như tự chăm sóc, ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp xã hội, cảm xúc trí tuệ…

Nếu chúng ta nói Việt Nam chưa có chính sách cho những trẻ em không may mắc chứng tự kỷ, vấn đề này chưa được đưa vào trong các quy định của pháp luật Việt Nam thì chưa hoàn toàn chuẩn xác.

Các chính sách quan tâm đến trẻ tự kỷ, nằm trong nhóm quan tâm đến trẻ khuyết tật. Hiện nay liên quan đến trẻ khuyết tật thì có Luật người khuyết tật, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật Trẻ em 2016… Những điều luật này đã quy định rất rõ trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội đối với việc quan tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật, và trong đó đã bao gồm cả trẻ mắc chứng tự kỷ.

Xem thêm >>> Những quan niệm sai lầm về trẻ bị tự kỷ cha mẹ cần biết

PV: Bà có thể nói rõ hơn về điểm này?

Ths, BS. Vũ Thị Kim Hoa: Trong Luật khuyết tật tại khoản 1 Điều 3 chương 1 đã quy định các dạng tật bao gồm: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Mà cụ thể tôi muốn nhắc tới là Nghị định số 28/2012/N Đ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật. Tại khoản 4 điều 2 Chương 2 về dạng tật đã quy định “khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường”.

Và xét theo nghị định này, trẻ mắc chứng tự kỷ cũng được coi là người khuyết tật. Luật khuyết tật quy định về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, gia đình đối với trẻ khuyết tật, trong đó bao gồm cả trẻ mắc chứng tự kỷ.

Ngoài những hỗ trợ chung như việc đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi đều cấp thẻ bảo hiểm y tế; đối với trẻ trên 6 tuổi nếu  thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được nhà nước hỗ trợ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nếu những trẻ không may mắc chứng tự kỷ mà thuộc nhóm này sẽ được hưởng…

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ em khuyêt tật thuộc hộ gia đình nghèo được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được nuôi  dưỡng tại trung tâm và hưởng trợ cấp tại trung tâm. Hiện nay, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang rà soát, bổ sung thêm các chính sách cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ cũng nằm trong nhóm này.

Đời sống - Việt Nam đã có những chính sách gì hỗ trợ trẻ mắc chứng tự kỷ? (Hình 2).

Liên Hiệp Quốc lấy ngày 0/4 hàng năm làm ngày Thế giới nhận thức Chứng tự kỷ, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ, sự cần thiết cải thiện cuộc sống của trẻ em và người lớn mắc tự kỷ để họ có một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa hơn.

PV: Như trên bà đã đề cập khá nhiều hỗ trợ của Nhà nước dành cho trẻ khuyết tật, nhưng hiện nhiều gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận con của họ thuộc nhóm trẻ khuyết tật, bà có thể nói thêm về vấn đề này, thưa bà?

Ths, BS. Vũ Thị Kim Hoa: Đây thực sự là một vấn đề mà Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Lao động – Thương binh và Xã hội đang rất quan tâm. Trước hết chúng tôi đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn các gia đình các kỹ năng phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để có thể đưa trẻ đến các cơ chuyên môn để xác định và được tư vấn; xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ tại gia đình và cộng đồng.

Đồng thời hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ tại gia đình và cộng đồng”, đề án sẽ tập trung đánh giá nhu cầu trẻ em khuyết tật và hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ theo nhu cầu; rà soát các dịch vụ hỗ trợ trẻ khuyết tật tại cộng đồng để tạo mạng lưới liên kết các dịch vụ hỗ trợ trẻ; rà soát các chính sách và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí hỗ trợ chăm sóc trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; phối hợp với các ngành liên quan để nghiên cứu và ban hành các hướng dẫn, các quy định liên quan đến trẻ em khuyết tật, đặc biệt nhóm trẻ tự kỷ để bổ sung các quy định đầy đủ hơn.

Đề án đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến tháng 10/2017 sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng, sau khi hoàn thiện, những quan tâm, chính sách kịp thời này sẽ một phần nào hỗ trợ các em và gia đình, sớm đưa các em hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm >>> Mẹ đơn thân gian nan tìm trường vì con mắc chứng tự kỷ

Phương Anh

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.