Đó là nội dung trong báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố tại Hà Nội ngày 9/11.
HDI là chỉ số đo mức độ phát triển về mặt con người của mỗi quốc gia dựa trên ba yếu tố chủ chốt là tuổi thọ, mức sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.
Theo bản báo cáo này, chỉ số HDI của Việt Nam năm 2011 không thay đổi so với năm ngoái, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình, xếp thứ 128/187 nước được khảo sát. So sánh với các nước trong khu vực, HDI của Việt Nam cao hơn Lào và Campuchia, nhưng thấp hơn các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế đã giúp Việt Nam đạt được những tiến bộ về phát triển con người. Tuy nhiên, theo bà Setsuko Yamazaki, giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, do còn chú tâm vào phát triển kinh tế nên một số chỉ số về phát triển con người của Việt Nam như: y tế và giáo dục chưa được đầu tư thích đáng, dẫn đến những tiến bộ về hai chỉ số này còn thấp.
Báo cáo đưa ra những con số đáng chú ý như tỉ lệ trẻ còi xương và suy dinh dưỡng, tỉ lệ tử vong bà mẹ ở nông thôn và miền núi cao hơn các vùng khác, chỉ 40% trẻ em miền núi đi học mầm non, chỉ gần 60% nhóm hộ nghèo nhất nhập học trung học cơ sở, trong khi đến bậc đại học chỉ còn chưa đến 1%...
Tỉ lệ trẻ em còi xương ở nông thôn và miền núi cao hơn các vùng khác |
Báo cáo cũng nhận thấy, chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực, nhưng kết quả giáo dục lại kém hơn, biểu hiện ở số năm đi học thấp hơn hầu hết các nước. Trong 11 năm qua, số năm đến trường trung bình của người Việt Nam chỉ tăng một năm từ 4,5 lên 5,5 năm.
Chi tiêu công cho y tế của Việt Nam thì thấp hơn các nước này. Ở cả hai lĩnh vực, chi tiêu từ tiền túi của người dân vẫn chiếm phần lớn và là gánh nặng đáng kể cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Cụ thể là, 8,1% hộ gia đình phải dành 20% thu nhập cho chi tiêu y tế và khoản chi này cũng làm 3,7% số hộ trở nên kiệt quệ.
Ngoài ra, một số bất cập khác như: chênh lệch chất lượng dịch vụ giữa các vùng miền, giữa các nhóm kinh tế xã hội, năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của cũng làm hạn chế những tiến bộ phát triển vì con người của Việt Nam một cách toàn diện… Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư để nâng mức phát triển con người tương đương với mức tăng trưởng kinh tế.
Hồng Thanh