Chia sẻ với báo chí, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sáng 23/5 cho biết, các đơn vị chức năng trong nước đang theo dõi, giám sát chặt chẽ căn bệnh đậu mùa khỉ để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập.
Cơ quan này cũng phối hợp chặt chẽ với WHO kịp thời cập nhật thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Hiên đã có hơn 100 ca mắc và nghi mắc đã được xác nhận tại 14 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Australia, Israel,… WHO giới cho biết, số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng khi cơ quan Liên Hợp Quốc mở rộng diện giám sát ở những quốc gia không phổ biến loại virus này.
Theo WHO, các thông tin hiện nay đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ lây từ người qua người thông qua tiếp xúc gần. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tự cách ly và khử khuẩn.
Ông David Heymann, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO, cho rằng tiếp xúc gần là phương thức lây nhiễm chủ yếu. Ví dụ như người có nguy cơ cao mắc bệnh như cha mẹ chăm sóc con bị bệnh hay nhân viên y tế.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Từ đó, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên người tại các quốc gia Trung và Tây Phi.
Cũng theo tổ chức này, đậu mùa khỉ là bệnh do virus truyền từ động vật sang người. Biểu hiện của bệnh tương tự nhưng nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức.
Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của 2 bệnh là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do vậy đợt bùng phát hiện nay ở châu Âu đang gây lo ngại.
Theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu cho biết lần bùng phát dịch bệnh này đã ghi nhận những ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng mà không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với châu Phi. Đặc biệt, cơ quan y tế một số quốc gia đã lưu ý rằng sự lây lan dường như tập trung ở nam giới đồng tính.
Quốc Tiệp (t/h)