Ngày 02/3/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức theo hình thức trực tuyến.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Hội nghị đã bàn về tiến trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và kế hoạch xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, công tác triển khai các sáng kiến ứng phó và phục hồi sau COVID-19, quan hệ đối ngoại ASEAN và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong bối cảnh khu vực tiếp tục chịu nhiều thách thức, Hội nghị đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và triển khai hiệu quả Kế hoạch phục hồi sau dịch, trong đó có việc sớm cụ thể hoá sáng kiến Hành lang đi lại ASEAN, sử dụng Quỹ Ứng phó Covid-19 của ASEAN để mua vắc-xin cho người dân và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp. Về quan hệ đối ngoại, các nước nhất trí cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, từ đó thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, ứng xử tập thể với những thách thức chung; khẳng định ASEAN cần giữ vững đoàn kết và lập trường, sẵn sàng phát huy vai trò và đóng góp nhằm xử lý những thách thức chung đang nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực.
Hội nghị dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Các Bộ trưởng chia sẻ mối quan tâm và quan điểm của mình đối với các diễn biến gần đây tại Myanmar và vai trò của ASEAN trong vấn đề này.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu khẳng định Việt Nam, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng, cam kết cùng các nước hợp tác đẩy lùi dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ ủng hộ và hỗ trợ Chủ tịch ASEAN 2021 hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan hệ với các đối tác, duy trì đối thoại và hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng gây tổn thất sinh mạng người dân trong những ngày gần đây tại Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực. Phó Thủ tướng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực,bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có phối hợp với các tổ chức và cơ chế toàn cầu, bao gồm Liên Hợp Quốc, nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình vì lợi ích của nhân dân và đất nước Myanmar, cũng như vì hoà bình, ổn định khu vực và đoàn kết, uy tín của ASEAN.
Kết thúc Hội nghị, Brunei, Chủ tịch ASEAN 2021 ban hành Tuyên bố của Chủ tịch về kết quả của Hội nghị.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, hơn một tháng sau đảo chính hôm 1/2, Myanmar vẫn chìm sâu trong bất ổn, khi làn sóng biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt và lực lượng an ninh tăng cường các biện pháp trấn áp.
Nehginpao Kipgen, phó giáo sư và giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quan hệ Quốc tế Jindal ở Ấn Độ, cho biết quy mô của làn sóng biểu tình ở Myanmar lần này chưa từng có tiền lệ.
Kể từ khi đảo chính xảy ra, ít nhất 27 người đã thiệt mạng và gần 2.000 bị bắt vì biểu tình, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Myanmar. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn không lắng xuống.
Hành động đàn áp mạnh tay của lực lượng an ninh Myanmar đã hứng chỉ trích và phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.
PV