Tại buổi hội đàm, hai bên tập trung trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và mở cửa cho thị trường nông sản hai nước.
Những hiệu quả thiết thực từ hoạt động hợp tác bổ trợ song phương
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhiệt liệt chào đón ông Jason Hafemeiser đồng thời đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác thời gian qua giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định,
“Hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đang đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Sau chuyến thăm vào tháng 2/2020 của đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã có 18 văn kiện giữa doanh nghiệp hai bên được ký kết, mang lại hiệu quả là tỷ lệ nhập khẩp thức ăn chăn nuôi từ Mỹ tăng hơn 64% ngay trong năm 2021”.
Sản phẩm thực phẩm biến đổi gen là một trong những nội dung Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ quan tâm cũng được Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giải đáp. Theo đó, toàn bộ 52 hồ sơ sự kiện biến đổi gen mà phía doanh nghiệp Mỹ nộp đã được Việt Nam cấp phép.
Tuy nhiên, các sản phẩm biến đổi gen từ ngô và đậu tường dùng để phục vụ công tác sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được Bộ NN-PTNT ưu tiên hơn, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao như hiện nay.
Về vấn đề mở cửa thị trường nông sản hai nước, đặc biệt là quả bưởi Việt Nam, Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khẳng định,
“Nhằm khẳng định thiện chí, khai thác tối đa tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai bên, phía Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thủ tục trước hội nghị G20, diễn ra tại Jakata (Indonesia) vào tháng 11/2022 tới đây”.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh hoan nghênh hành động thiết thực của phía Hoa Kỳ và cho biết, 171 loại hạt giống cây trồng, khoai tây, hạt lúa miến Sorgum, 12 loại cỏ và hạt giống cỏ, hom cỏ giống và 6 loại quả tươi xuất khẩu của phía Hoa Kỳ đã được Việt Nam chấp thuận.
Thứ trưởng đề nghị phía Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xem xét, sớm chấp thuận để quả bưởi Việt Nam thành công xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, chanh, quýt, đào, mận Nhật Bản…có nguồn gốc từ Mỹ cũng sẽ được Bộ NN-PTNT Việt Nam tăng cường phối hợp với giới chức Mỹ để sớm hoàn thiện thủ tục mở cửa thị trường.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, rất cần sự hỗ trợ công nghệ từ phía Hoa Kỳ
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, biến đổi khí hậu đang đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Khu vực chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu là Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ứng phó, Việt Nam đã và đang có nhiều hành động thiết thực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thải ô nhiễm trong quá trình sản xuất, bằng chứng là cam kết đưa mức phá thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 vừa qua.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của nước ta là nguồn lực tài chính cũng như các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua các hành động cụ thể, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tích cực hơn nữa, giúp Việt Nam nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất vì đây là thế mạnh của Hoa Kỳ. Thành công thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững. Những sáng kiến do Hoa Kỳ khởi xướng như AIM4C, SPG…vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.
“Duy trì năng suất lúa gạo, nâng cao chất lượng gắn liền với giảm thiểu chi phí đầu vào là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Với sự hỗ trợ kỹ thuật, khoa học từ Hoa Kỳ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu này”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Đồng thuận cao với những ý kiến của Thứ trưởng, ông Jason Hafemeiser đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu của phía Hoa Kỳ trong công tác đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay.
Theo Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, để phát triển bền vững, cần sớm thực hiện ba mục tiêu chính, đó là, bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi nhuận và đảm bảo nguồn lương thực toàn cầu. Trong đó, có hai giải pháp phía Mỹ đã áp dụng thành công là tăng hiệu quả sản xuất, tăng cường sản xuất nông nghiệp thông minh.