Sáng 17/3, phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF 2023) đã diễn ra tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế đồng tổ chức với với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh”.
Tham gia phiên kỹ thuật của VBF 2023 có 12 nhóm công tác, gồm điện, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, đào tạo, du lịch, khoáng sản... Danh sách các nội dung kiến nghị gửi tới phiên kỹ thuật khá dày, với 53 trang.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Ngọc, cả năm 2022 nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu Covid, nhưng vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ. Kết quả này một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu.
Thứ trưởng nhấn mạnh, những thành tựu này có được là nhờ sự chung tay hợp lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng mong muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phát huy vai trò, sức mạnh lan tỏa và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Về phía các Bộ ngành, Thứ trưởng đề nghị những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị hôm nay sẽ được lắng nghe đầy đủ và giải quyết một cách thấu đáo, trách nhiệm, tận tình với phương châm lấy doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ.
Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẳng định sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế chính sách để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư kinh doanh, vì một mục tiêu cao nhất là đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững với nhu cầu cấp bách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững.