Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, mạng quan sát quân sự Nga đưa tin, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu xe tăng T-54/55/59 có số lượng nhiều nhất.
Lột xác thành cỗ máy chiến tranh thế kỷ 21
Theo thống kê, lực lượng xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam sở hữu trên 1.200 chiếc xe tăng loại này, phần lớn trong số đó đã từng phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam. Nhưng, hiện nay, công nghệ của những chiếc xe tăng này đã lỗi thời.
Vì vậy, Việt Nam buộc phải mua trang bị bọc thép mới hoặc nâng cấp xe tăng hiện có. Sau khi tính toán tất cả các phương án, Việt Nam đã lựa chọn phương án của Israel-Slovenia.
T-55M3 của Quân đội Slovenia sau khi nâng cấp
Được biết, Slovenia từng dựa vào sự hỗ trợ của Israel, nâng cấp xe tăng T-55 Nam Tư hiện có của họ, loại này rất giống với xe tăng T-55M3 của Việt Nam. Dự kiến, Việt Nam sẽ nâng cấp 300 chiếc xe tăng.
Slovenia đã triển khai nâng cấp gần như hoàn toàn các xe tăng T-55 trong quân đội Nam Tư trước đây. Công ty STORAVNE của Slovania và Công ty Elbit của Israel thực hiện việc này.
Đầu tiên phải nói đến động cơ diesel V-12 sẽ làm tăng sức kéo từ 520 mã lực lên đến 600 mã lực. Có phương án lắp động cơ MAN 850 mã lực của Đức, cung cấp một tỷ lệ công suất/trọng lượng tối ưu, chỉ hơn 21 mã lực/tấn. Trọng lượng chiến đấu của xe là 40 tấn.
Hệ truyền động đã có các tấm chắn đạn nổ lõm bằng cao su tổng hợp. Ống lắp chốt xích được bọc cao su chống mòn. Sau tháp pháo có máy phát điện nhỏ phục vụ xe khi bảo dưỡng và sửa chữa, cũng như sinh hoạt khi không hành tiến.
Tháp pháo của T-55 sẽ thay mới bằng pháo 105 mm bọc cách nhiệt. Hệ thống điều khiển hỏa lực được nâng cấp nhờ lắp hệ thống máy tính đường đạn, hệ ổn định tầm hướng. Hệ thống kiểm soát hỏa lực có ba chế độ hoạt động, tự động, bán tự động và bằng tay.
Hệ quan sát, ngắm bắn lắp đặt kính ngắm Fotona SGS-55 có hệ thống đo xa laser. Đồng thời cũng lắp kính chỉ huy Rotona COMTOS-55 ổn định, độc lập tầm nhìn. Trưởng xe có thể quan sát, xác định mục tiêu và thậm chí ngắm bắn mà cần pháo thủ 1 trợ giúp. Tháp pháo gắn súng máy 12,7 mm.
Xe tăng T-55 M3 Việt Nam
Đáng lưu ý, trên tháp pháo được lắp thêm một súng cối 60 mm giống như xe tăng Merveka hay Magach của Israel.
T-55 có thiết bị dò tìm và cảnh báo sớm chiếu xạ laser LIRD 91A kết nối với hệ thống phóng lựu đạn khói IS-6 cự ly 40m. Hệ thống thiết bị này có thể tự động phóng đạn khói trong trường hợp khẩn cấp.
Xe có hệ thống thông tin liên lạc mới M55 S1 được cài đặt trong, gồm 2 ăng ten mới, radio mới. Hệ liên lạc VIC gắn bên ngoài. Điện thoại được trang bị ở phía sau của chiếc xe cho phép bộ binh đi kèm nói chuyện với kíp lái xe tăng khi hiệp đồng tác chiến.
Cải lão hoàn đồng hàng loạt xe
Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc, báo QĐND đưa tin, Việt Nam đang tự thực hiện chương trình nâng cấp, hiện đại hóa xe tăng – thiết giáp.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và trang bị, xe tăng - thiết giáp (TTG) của nhiều nước trên thế giới không ngừng được nghiên cứu, chế tạo ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu nâng cấp, cải tiến, hiện đại hóa các loại xe hiện có cũng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao tính năng, kỹ chiến thuật của các loại xe hiện có. Đó cũng là yêu cầu khách quan, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Đối với quân đội ta, xe TTG gồm nhiều chủng loại, phần lớn thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai, khả năng thích ứng trong điều kiện tác chiến mới còn hạn chế. Cùng với các biện pháp bảo quản, bảo dưỡng, giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm xe TTG phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thời gian qua các cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, đơn vị TTG đang đẩy mạnh nâng cấp, cải tiến phương tiện để đảm bảo yêu cầu bảo vệ tổ quốc.
Nhiều chương trình nâng cấp, cải tiến xe TTG đang được quan tâm, đầu tư, triển khai thực hiện như: Chương trình nâng cấp, cải tiến xe tăng T-54B/T-55, cải tiến đồng bộ xe chiến đấu bộ binh BMP-1, cải tiến xe thiết giáp trở quân BRT-152, nâng cấp cải tiến xe thiết giáp M113, V100…
Xe bọc thép BMP-2 của Slovakia sau khi được nâng cấp lên chuẩn BVP-M2-SKCZ. BMP-2 cũng là xe bọc thép chở quân chính của bộ binh cơ giới Việt Nam.
Xe trinh sát BTR-152 Việt Nam sau khi được nâng cấp
Xe thiết giáp chở quân BRT-152 sau khi nâng cấp, cải tiến đã khắc phục những nhược điểm cơ bản của xe nguyên thủy, nâng cao tính năng kỹ chiến thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, cơ động trong tác chiến, nhẹ nhàng khi vận hành và an toàn cho bộ binh trên xe.
Với xe M113 thu hồi sau chiến tranh, việc nâng cấp, cải tiến cũng đã tạo khả năng vượt trội về tính năng, kỹ chiến thuật… Bên cạnh đó, công tác khôi phục đồng bộ hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống cứu hỏa… trên một số loại xe tăng thiết đã giúp tăng hạn sử dụng và hệ số kỹ thuật.
Kết quả nâng cấp, cải tiến xe tăng thiết giáp không chỉ nâng cao tính năng kỹ chiến thuật của các trang bị mà còn rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khả năng của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành, tạo ra khả năng nghiên cứu làm chủ trang bị, tăng cường khả năng tiếp cận với những sản phẩm mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực khoa học quân sự; nâng cao năng lực tiếp nhận, vận hành dây chuyền chuyển giao công nghệ của các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, trang bị…
Tường Bách (còn nữa)