Cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 3.000 doanh nghiệp Đức trên toàn cầu, trong đó bao gồm các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam, cho thấy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và sự leo thang giá cả đối với nguyên liệu đầu vào do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây khó khăn đối với giới doanh nghiệp Đức thuộc mọi lĩnh vực và quy mô. Cuộc khảo sát do Hiệp hội các Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Đức (DIHK) thực hiện trong thời gian từ 22/07 đến 09/08/2021.
Kết quả cuộc khảo sát đã cho thấy: “Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô và các mắt xích bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng đã và đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp Đức. 58% các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình trạng sẽ được cải thiện vào năm sau".
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô được các doanh nghiệp chỉ ra bao gồm nhu cầu thị trường tăng cao (67%), các doanh nghiệp không đủ năng lực sản xuất do cơ sở sản xuất xảy ra tình trạng gián đoạn hay ngừng hoạt động bởi đại dịch Covid-19 (58%) và sự đứt gãy các kênh vận chuyển, lưu thông, phân phối và tiêu thụ hàng hóa (83%).
Hơn một nửa số doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã buộc phải tăng giá bán cho khách hàng hoặc đang có kế hoạch tăng giá thành sản phẩm để thích ứng với bối cảnh hiện tại.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Đức tại Việt Nam đã trả lời Người Đưa Tin về các giải pháp ứng phó hướng đến hồi phục kinh doanh các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Ông có thể cụ thể hoá những khó khăn mà doanh nghiệp Đức đang phải đối mặt và xin ông chia sẻ về những giải pháp cụ thể các doanh nghiệp đã thực hiện để đối phó và giảm bớt những khó khăn hiện nay?
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực đến các hoạt động của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không tránh được những tác động đó, khi mà chính quyền địa phương buộc phải thực thi một loạt các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh trong làn sóng thứ tư của dịch nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng cũng đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tại đây. Việc đứt gãy các mắt xích của chuỗi cung ứng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu cũng như tình trạng cung không đáp ứng nổi cầu. Theo khảo sát nhanh vào tháng 8 của chúng tôi, các doanh nghiệp gặp khó khăn do giá đầu vào nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, thời gian chờ đợi giữa các công đoạn sản xuất lâu hơn, thậm chí phải tạm dừng sản xuất.
Đối với giải pháp mang tính tạm thời, một số doanh nghiệp Đức không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm hoặc có ý định như vậy. Về lâu dài, họ cân nhắc việc xây dựng chuỗi cung ứng với tính linh hoạt và thích ứng cao nhằm hạn chế những tác động kinh tế tiêu cực có thể xảy ra sau đại dịch Covid-19.
Ông có thể chia sẻ cơ sở mà các doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng tình trạng sẽ được cải thiện vào năm sau, niềm tin dựa vào yếu tố căn bản gì?
Trong thời gian tới, những hoạch định và các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào các giải pháp của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như vào việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Việt Nam. Về trung hạn, chúng tôi có thể khẳng định rằng, Việt Nam vẫn sẽ giữ vững vai trò quan trọng của mình như một trung tâm sản xuất chính trong khu vực.
Ngoài ra, trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam là quốc gia đang giữ vị thế đứng đầu cũng như đem lại nhiều giải pháp hàng đầu nhờ nền kinh tế phát triển linh hoạt cùng khả năng đáp ứng nhanh chóng với tốc độ đổi mới trong sản xuất.
Tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cũng như các chính sách khuyến khích chi tiêu công và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch. Với những tiềm năng được đề cập ở trên, chúng tôi tin Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội để tiếp tục phục hồi nền kinh tế và hướng tới tăng trưởng GDP bền vững.
Đáng chú ý, Việt Nam là một môi trường đầu tư tiềm năng với cơ cấu chi phí cạnh tranh và nhiều ưu đãi về thuế quan do các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Các hiệp định hiện nay bao gồm Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và gần đây là Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) nhằm khuyến khích các hoạt động thương mại mới và đẩy mạnh sự phát triển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA được triển khai một cách toàn diện, Việt Nam ngày càng củng cố vai trò quan trọng của mình đối với các doanh nghiệp Đức trong khu vực và thời điểm sau đại dịch rõ ràng là một cơ hội lớn cho nền kinh tế cũng như chuỗi cung ứng của Việt Nam trong dài hạn.
Sức mua thị trường đang yếu, mà các doanh nghiệp để đối phó đã phải đưa ra các kế hoạch tăng giá thành sản phẩm, ông đánh giá giải pháp này có khả thi?
Các biện pháp được áp dụng hiện tại nhằm kiểm soát dịch bệnh đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng cung và cầu ở một số sản phẩm nhất định và chi phí vận chuyển tiếp tục gia tăng, do đó, các doanh nghiệp tạm thời tìm kiếm các giải pháp mang tính tình huống, ví dụ như việc tăng giá sản phẩm của họ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Đức cũng tập trung duy trì hoặc giảm chi phí sản xuất càng nhiều càng tốt, đồng thời tăng dự trữ nguyên liệu đầu vào và đa dạng hóa kênh phân phối với chiến lược chi phí hiệu quả để tiếp cận đúng nhu cầu.
Đại dịch sẽ buộc các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng phải liên tục thích ứng để phát triển, do vậy, các doanh nghiệp cần ứng dụng các biện pháp đổi mới, đồng thời chuẩn bị tốt cho khối lượng cầu thay đổi và những xu hướng nhu cầu mới để có thể tự tin tăng trưởng trong dài hạn.
Đại diện cho tiếng nói các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam ông có nhận xét gì về những diễn biến của tình hình đại dịch và sự ứng phó của Việt Nam?
Những hệ quả của biến thể Delta Covid-19 tại các quốc gia khác ngay từ đầu đã là bài học quan trọng cho Chính phủ Việt Nam. Để kịp thời ứng phó với đợt bùng phát thứ tư, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội. Các chính sách này đã được thay đổi theo thời gian để phù hợp với diễn biến của đại dịch thông qua các chỉ thị và văn bản hướng dẫn.
Các chính sách kiểm soát dịch bệnh này đã đem lại nhiều tác động tích cực trong ngắn hạn khi kế hoạch tiêm chủng đang được triển khai nhanh ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các tỉnh miền Nam, bao gồm cả trung tâm kinh tế & thương mại lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về trung hạn, làn sóng Covid-19 mới tại Việt Nam sẽ để lại nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp.
Ông có đề xuất hay kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp Đức tại Việt Nam?
Covid-19 đã và đang là một thách thức nghiêm trọng đối với toàn xã hội của chúng ta. Nhiều công ty đang phải vượt qua những tác động nặng nề của đại dịch này. Nhiều nhà đầu tư đến từ Đức phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư do những hoàn cảnh bất định của dịch bệnh.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong phát triển các chuỗi cung ứng tăng cường khả năng cạnh tranh, độ linh hoạt và trở thành các đối tác tin tưởng của các doanh nghiệp nước ngoài. Thực trạng về đại dịch Covid-19 đã đưa ra nhiều thách thức, trong đó, một trong những thách thức lớn đó là việc triển khai mô hình chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và tìm kiếm các phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi chuỗi cung ứng sản xuất một cách nhanh nhất. Ngoài ra, Việt Nam cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm khắc phục những điểm yếu của chuỗi cung ứng và hỗ trợ hiện đại hóa ngành hậu cần, nâng cao khả năng cung cấp tại địa phương và các tỉnh thành của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho người dân để các doanh nghiệp nhanh chóng được mở cửa hoạt động và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất; đảm bảo có sẵn cơ sở hạ tầng cho việc hậu cần và chăm sóc sức khỏe cần thiết; hỗ trợ thêm về tài chính cho COVAX; và phát triển các chiến lược dài hạn bao gồm các cam kết cung cấp vắc-xin tới những nơi cần thiết nhất và phối hợp hài hoà các quy định nhằm mục đích ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 và nhanh chóng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Việc gỡ bỏ theo lộ trình những hạn chế di chuyển giữa các tỉnh thành tại Việt Nam và cấp thẻ xanh cho những người được tiêm chủng đầy đủ có thể coi là những giải pháp hữu ích nhất hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Long thực hiện