Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982.
"Việt Nam đề nghị các quốc gia đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông", bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, hãng tin Reuters cho hay, vào ngày 27/5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Mỹ cho biết 2 tàu chiến này đã tới gần đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn đang bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Cũng trong phiên họp báo ngày 31/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Philippines tiến hành sửa chữa đường băng và nâng cấp các cơ sở khác ở đảo Thị Tứ, bà Hằng nêu:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và bất hợp pháp.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp, Việt Nam đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, trái với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam nhấn mạnh những quan ngại sâu sắc đã được nêu tại các văn kiện của ASEAN về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông”.
Xem thêm: Triều Tiên tập trận bắn đạn thật giữa khi diễn ra các nỗ lực ngoại giao quốc tế