Theo báo cáo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2022, căn bệnh ung thư tại Việt Nam vào năm 2022 có đến hơn 180.000 ca mắc và có hơn 120.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á.
Tỉ lệ mắc bệnh ung thư có chiều hướng gia tăng
Năm 2022, Việt Nam ghi nhận 180.000 ca mắc ung thư. Trong đó, ở nam giới bao gồm các loại ung thư nằm trong top 5 phổ biến gồm: ung thư gan (19,9%), ung thư phổi (17,8%), ung thư dạ dày (10,6%), ung thư trực tràng (9,9%) và ung thư tuyến tiền liệt (6,2%).
Đối với phụ nữ, ung thư vú (28,9%) chiếm tỉ lệ cao nhất, ung thư phổi (8,7%), ung thư trực tràng (8,7%), ung thư dạ dày (7,3%), ung thư gan (6,5%).
Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến, chiếm tỉ lệ cao lần lượt là ung thư vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ung thư đã và đang là gánh nặng của các quốc gia trên thế giới.
Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ mắc mới ung thư của nước ta ở mức trung bình nhưng tỷ lệ tử vong lại cao trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân là bệnh được phát hiện quá trễ. Theo thống kê, có khoảng 50-80% bệnh nhân đến khám khi ung thư ở giai đoạn 3 và 4, kết quả điều trị không như mong đợi.
Riêng tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận gần 800.000 lượt khám, thực hiện 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 lượt xạ trị, 300.000 lượt hoá trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Lượng bệnh nhân khám và điều trị ngày càng tăng.
Lý giải nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh
Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố chính: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường..) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…).
Già hóa dân số là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam gia tăng các yếu tố nguy cơ mắc ung thư. Càng lớn tuổi, các cơ quan chức năng của cơ thể dần lão hóa, tỷ lệ mắc các bệnh càng cao.
Rượu bia, thuốc lá: Các yếu tố về hành vi lối sống phải kể tới là hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng); ....
Chế độ ăn ăn uống không hợp lý: đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh; chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối…) đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…).
Ít vận động: Thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Môi trường sống: Vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư.
Một số tác nhân truyền nhiễm: bao gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng, có thể gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư sẽ hình thành như Epstein-Barr virus, HBV và HCV, HIV, HPVs, HTLV-1, KSHV, MCPyV. Một số virus có thể phá vỡ các tín hiệu dùng để kiểm tra sự phát triển và tăng sinh của tế bào.
Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ung thư khác. Và một số virus, vi khuẩn và ký sinh trùng cũng gây viêm mãn tính, có thể dẫn đến ung thư.
Hầu hết các virus có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư có thể được truyền từ người này sang người khác thông qua máu và/hoặc các chất dịch cơ thể khác. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách tiêm vắc-xin, không quan hệ tình dục khi không được bảo vệ và không dùng chung kim tiêm.
Nhận thức người dân về việc chủ động khám tầm soát ung thư: Nhiều người vẫn còn chủ quan trong việc khám tầm soát ung thư, cần tích cực thăm khám sức khỏe, tầm soát các loại ung thư để việc ngăn ngừa, sàng lọc ung thư diễn ra nhanh hơn.
Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, khi phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ tại sự kiện khoa học thường niên, việc điều trị ung thư rất tốn kém, đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị hiện đại. Do đó, cần có những biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao tay nghề y bác sĩ, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi ung thư.
Các chương trình tầm soát ung thư hiệu quả sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, kéo giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng điều trị và giảm chi phí cho người bệnh. Đây cũng là một trong những giải pháp trong chiến lược phòng chống ung thư của thành phố Hồ Chí Minh.