Vì sao "thượng vàng, hạ cám" đều là hàng Trung Quốc?!
Không chỉ nhập các linh kiện, thiết bị máy móc mà nước ta còn nhập cả những vật dụng đơn giản như bóng bay, kim chỉ, kẹp tóc, dây chun... rồi đến thực phẩm như hành tỏi, rau củ quả... từ Trung Quốc. Tại các chợ lẻ, chợ đêm, cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ, thậm chí đến siêu thị, khu du lịch, từ thành phố đến nông thôn, miền núi đến ven biển, gần như tất cả các loại hàng trong cuộc sống, dù ở đâu cũng có thể bắt gặp nhãn mác made in China với đủ kiểu dáng, mẫu mã.
Dạo quanh khu chợ sầm uất nhất Hà thành là Đồng Xuân, tất cả hàng hóa của các khu vực chuyên biệt từ quần áo, túi xách, giày dép, hàng khô đến nông sản... phần lớn đều được nhập từ Trung Quốc. Khảo sát tại nhiều cửa hàng kinh doanh các loại hàng khác nhau, phóng viên phải "đỏ mắt" để tìm một món đồ mang mác của Việt Nam, hàng Trung Quốc bán tại chợ Đồng Xuân chiếm đến gần 90%.
Một tiểu thương tên Linh, chuyên bán các loại đồ chơi trẻ em ở cho biết: "Hầu hết số hàng tôi nhập chủ yếu là Trung Quốc, từ túi, dây chun buộc tóc, thiệp chúc mừng, gôm tẩy, búp bê, kim chỉ, cúc áo quần...". Theo tiểu thương này, hàng Trung Quốc không chỉ giá rẻ, mẫu mã đẹp mà còn nhỏ gọn và rất dễ gọi hàng. Không chỉ riêng cửa hàng của tôi mà hầu hết các sạp tại chợ này đều ưu tiên nhập hàng Trung Quốc. Hàng Việt có rất ít, bởi giá cả và mẫu mã đều không bằng hàng Trung Quốc. Ví dụ như một con búp bê, nếu của Trung Quốc giá chỉ 50.000 ngàn đồng thì hàng trong nước phải 200.000 - 300.000 đồng. Đã vậy, kiểu dáng của hàng Việt Nam lại rất đơn điệu, không bắt mắt".
Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt.
Không chỉ ở những mặt hàng trên, mà ngay cả nông sản, thực phẩm tại khu chợ đầu mối tại Hà Nội, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, các loại rau củ quả như hành, tỏi, khoai tây, gừng, chanh, nho, táo, lê xuất xứ từ Trung Quốc tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2012. Tại khu vực hàng khô, hành tỏi, gừng Trung Quốc được người bán ở chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) bày bán la liệt. Không giấu giếm nguồn gốc xuất xứ về hàng mình bán, chủ sạp hàng tên Thanh Bình, cho biết: "Cửa hàng của tôi bán hành, tỏi, gừng chủ yếu của Trung Quốc.
Giá hàng Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước. Ví dụ, tỏi khô của Trung Quốc to, tròn, bóng đẹp và có giá chỉ 25.000 đồng/kg, thì hàng Việt Nam có giá đắt gấp nhiều lần từ 50.000 - 100.000 đồng/kg". Ghé một cửa hàng tạp hóa lớn nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), phóng viên lựa chọn 10 mặt hàng ngẫu nhiên bày bán tại đây, thì cả 10 hàng này đều có nhãn mác made in China. Khi hỏi mua một bình sữa của trẻ em, chủ cửa hàng đưa cho chúng tôi 3 mẫu bình nhưng tất cả đều của Trung Quốc.
Báo động hàng Trung Quốc đội lốt Made in Viet Nam
Một cán bộ quản lý thị trường (xin được ẩn tên) thừa nhận: Hiện nay, hàng nhập lậu Trung Quốc đội lốt Việt Nam đang tràn ngập khắp các chợ không những vùng biên mà ngay cả ở thành thị, các vùng nông thôn. Hàng hóa ruột Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam bây giờ đã không còn là hiện tượng bột phát, nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu. Điều này đã được cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phát hiện, bắt giữ với những con số cụ thể như: Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý 3 vụ, trong đó 2 vụ dùng bột ngọt Trung Quốc đóng gói nhãn hiệu Ajinomoto, thu giữ 251kg bột ngọt, phạt vi phạm hành chính 38 triệu đồng; 1 vụ dây curoa sản xuất Trung Quốc ghi nhãn ADR (An Dong Rubber) của công ty cao su An Đông, thu giữ 678 sợi curoa, phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh bắt giữ khoảng 1 tấn hàng gồm xúc xích, thịt bò xiên, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc dán nhãn hàng Việt Nam.
Cuối tháng 11 vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai vừa liên tiếp bắt giữ gần 700 lọ hóa mỹ phẩm cùng gần 200kg xúc xích, chả cá Trung Quốc nhập lậu vào thị trường nội địa. Các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội cũng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm, nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối nghi là từ Trung Quốc đang được vận chuyển vào nội địa.
Cũng theo vị cán bộ quản lý thị trường này, việc hàng Trung Quốc đội lốt mác Việt Nam là lỗi của tư thương, người kinh doanh Việt. Tất nhiên, lỗi của các cơ quan chức năng cũng không hề nhỏ. Biết có sự việc đó xảy ra nhưng không ngăn chặn kịp thời, để cho tình trạng đó ngày càng phát triển và tinh vi hơn là điều nhức nhối. Ngoài ra, còn có một chuyện mà không thể chấp nhận được là, doanh nghiệp Việt Nam muốn lãi nhiều, đã sang một số địa phương ở Trung Quốc, đặt hàng, chất lượng kém, sau đó mang về Việt Nam, dán mác made in Việt Nam để lừa chính người tiêu dùng của mình, thu lợi nhuận lớn. Đây mới thực sự là điều khủng khiếp.
Sẽ tạo ra kênh thất thoát ngoại tệ cực lớn!
Trao đổi về con số nhập siêu hàng Trung Quốc tăng 100 lần trong vòng 10 năm qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ nhiều lo ngại về những hệ quả xấu đối với nền kinh tế như: Sẽ bị phụ thuộc quá nhiều; hàng hóa thực phẩm tràn vào nhưng không được kiểm soát về chất lượng; làm ảnh hưởng tới nền sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều hậu quả khó lường.
Theo chuyên gia kinh tế Minh Phong thì, mặc dù nhập khẩu lớn từ nước láng giềng, chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ tạo ra kênh thất thoát ngoại tệ cực lớn. "Hiện nước ta đang nỗ lực xuất siêu sang nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... nhưng nếu thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc thì có thể phần nhập siêu đạt được này sẽ bị ăn hết", ông Phong nói.
Đề xuất giải pháp để cải thiện tình trạng này, ông Phong cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần luật hóa hoạt động mua bán 2 bên để tăng cường yếu tố pháp lý, bảo vệ người dân, doanh nghiệp Việt Nam khi có tranh chấp xảy ra. Cần phải thiết lập hàng rào kỹ thuật thương mại nghiêm ngặt và tuyên truyền, vận động người dân không vận chuyển hàng lậu. Các hiệp hội doanh nghiệp lưu ý không tiếp tay cho việc buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng độc hại.
"Hiện nay nhiều tiểu thương Việt Nam bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt là vi phạm đạo đức kinh doanh, ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần có những chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích người dân, doanh nghiệp buôn bán chính thống để kiểm soát hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng là giải pháp cần quan tâm", ông Phong nói.
Ong Lý - Quỳnh Chi