Cụ thể, Việt Nam nhảy lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,4 điểm (năm ngoái đạt 4,31 điểm), so với thang điểm 7 do WEF đánh giá.
Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Ngoài ra, giao thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước, khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu.
Từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành liên tiếp 4 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo cách tiếp cận của diễn đàn Kinh tế Thế giới và ngân hàng Thế giới.
Cũng theo Nikkei Asia Review, Indonesia có bước tăng trưởng trong bảng xếp hạng khi đứng thứ 36, tăng 5 bậc từ vị trí số 41 vào năm ngoái. Quốc gia này đã cải thiện 10/12 danh mục chính, bao gồm sức khoẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng.
Mặc dù Indonesia không có chuyển biến trong danh mục đổi mới sáng tạo, nhưng báo cáo này vẫn xem Indonesia như một nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu trong số các quốc gia mới nổi, đứng thứ 12 trong danh mục mua sắm Chính phủ các sản phẩm công nghệ tiên tiến.
Indonesia có nhiều bước thăng trầm trong thứ hạng nhưng tính chung trong 5 năm qua, nước này đã tăng 14 bậc. Điều này là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đứng thứ 9 trong chỉ số quy mô thị trường nội địa.
Một số quốc gia châu Á khác có năng lực cạnh tranh cải thiện còn bao gồm: Malaysia hạng 23; Thái Lan hạng 32; Trung Quốc hạng 27... Các nước này đều tăng 1-2 bậc.