Ngày 24/6, tại TP.Đà Nẵng, đối thoại nhiều bên về các thành phố khu vực Đông Nam Á chuyển đổi thành công hướng đến cơ chế khí hậu Paris sau năm 2020 đã diễn ra. Sự kiện quy tụ gần 100 đại biểu đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế nằm trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6).
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, biến đổi khí hậu đang là một thách thức của thời đại hiện nay. Sau khi Thỏa thuận chung Paris (một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2015 chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020-PV) có hiệu lực, các nước đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp quan trọng để sẵn sàng hướng đến thực hiện các mục tiêu.
Số liệu tại hội nghị cũng thể hiện, khoảng 66% dân số toàn cầu sẽ cư trú tại các khu vực đô thị vào năm 2050. Các thành phố còn tiếp tục tăng trưởng và đổi mới. Quá trình đô thị hóa ở quy mô toàn cầu khiến tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tăng cao, biến các thành phố thành nhà máy xả thải, gây nên hiệu ứng nhà kính.
Hiện nay, các đô thị khu vực Đông Nam Á đang thể hiện rõ ràng quy trình này. Do đó, việc phát triển khí hậu bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các đô thị Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính của năm 2010 đã bằng tổng lượng khí nhà kính của toàn thế giới vào năm 1850. Thực hiện Thỏa thuận chung Paris, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam đưa việc ứng phó với biến đổi khí hậu là 1/17 mục tiêu của phát triển bền vững.
Ông Koji Fukuda, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, hiện tại JICA đang hỗ trợ cục Biến đổi khí hậu, bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện Thỏa thuận chung Paris thông qua dự án SPI-NAMAS.
Dự án này triển khai tại TP.HCM. Kết quả đạt được là đã xây dựng và thực hiện một số dự án thí điểm về giảm nhẹ phát thải, từng bước hoàn thiện các hướng dẫn về kiểm kê phát thải khí nhà kính, trọng tâm là xây dựng quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm tra cho một số lĩnh vực chủ yếu của đô thị lớn nhất đất nước này.
Từ những hỗ trợ của JICA, bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ xây dựng quy định bao gồm lộ trình và phương thức thực hiện Thỏa thuận Paris. Đến thời điểm này, JICA đã hoàn thiện dự thảo với sự tham vấn các bộ, ngành để trình lên Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris sau năm 2020.