Ngăn ngừa, hạn chế các hành vi tra tấn
Sau khi trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT) vào năm 2015, Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong phổ biến, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước.
Đại tá, PGS.TS. Trần Nguyên Quân-Phó Cục trưởng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an thông tin cùng với các hoạt động hợp tác quốc tế, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn.
Theo ông Trần Nguyên Quân, nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tố cáo, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự... cùng hàng trăm văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại.
“Nhiều quy định trong các văn bản này đã trả lời đúng và trúng các quan tâm, thắc mắc của Ủy ban chống tra tấn, các tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài”, ông Trần Nguyên Quân nói.
Theo ông Quân, một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn đó là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung.
Về thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; khám chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ; khiếu nại, tố cáo; bào chữa, trợ giúp pháp lý; xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, công chức và viên chức; dân chủ cơ sở; quy tắc đạo đức nghề nghiệp; cải cách tư pháp; cải cách hành chính... Việt Nam đều đã ban hành các văn bản triển khai, thi hành.
Ông Trần Nguyên Quân nhận định, trên cơ sở các thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khẩn trương tổ chức triển khai áp dụng các quy định này.
Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của người dân nói chung và quyền của những người có nguy cơ bị tra tấn nói riêng cũng như nâng cao trách nhiệm của các cán bộ thực thi công quyền, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi tra tấn.
Nỗ lực của Việt Nam trong thực thi công ước
Trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn, Đại tá Trần Nguyên Quân cho biết, Việt Nam đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để quản trị tốt quốc gia nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của Chính phủ và các cơ quan chính quyền các cấp; cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng truy cập ở khắp mọi nơi; thực hiện một Chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch.
Đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành làm sạch dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc; hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử; đã triển khai kết nối thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 13 đơn vị, bộ, ngành; 4 doanh nghiệp Nhà nước; 63 địa phương....
Triển khai thực hiện Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: www.dichvucong.gov.vn để thực hiện các thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến, phản ánh kiến nghị, đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương…
Trong lĩnh vực pháp luật, Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Tất cả các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều phải sử dụng Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan là kênh cung cấp thông tin thống nhất và tập trung trên môi trường mạng. Các cơ quan Nhà nước phải công khai thông tin cho tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật tiếp cận thông tin, Luật công nghệ thông tin.
Việt Nam đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước tại 4 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua bộ phận một cửa.
Cùng với đó, Việt Nam đã triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong cơ sở giam giữ phạm nhân, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ công an; thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng công an nhân dân; trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân; thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của công an nhân dân.
Việt Nam cũng đã quy định cụ thể những thông tin được công khai để nhân dân biết; hình thức công khai; những việc nhân dân tham gia ý kiến, hình thức tham gia ý kiến và hình thức giám sát; góp phần ngăn ngừa và hạn chế tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền của người dân, trong đó có quyền không bị tra tấn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” .
Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, qua đó, góp phần ngăn ngừa các hành vi tra tấn. Tại thời điểm nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất, Việt Nam đã triển khai “thí điểm” lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can tại một số Công an đơn vị, địa phương. Đến nay, sau quá trình thí điểm, Việt Nam đã triển khai lắp đặt trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tại cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, trong đó có quyền không bị tra tấn...
Bên cạnh các hoạt động nhằm tăng cường thực hiện nghĩa vụ của thành viên Công ước chống tra tấn, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia trước Ủy ban chống tra tấn.
Theo đó, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017; trình bày và bảo vệ các thông tin, số liệu, nội dung mà Việt Nam đã nêu trong Báo cáo quốc gia lần thứ nhất trước Ủy ban chống tra tấn vào năm 2018.
Sau phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất, ngày 7/12/2018, Ủy ban chống tra tấn Liên hợp quốc đã ban hành Báo cáo giữa kỳ đánh giá về việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn tại Việt Nam.
Trên cơ sở Báo cáo giữa kỳ của Ủy ban chống tra tấn, Việt Nam tiếp tục xây dựng và nộp Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận, khuyến nghị này vào tháng 10 năm 2020. Trong đó, cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên xuốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này.
Cùng với đó, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, với sự hỗ trợ ban đầu của UNDP Việt Nam, ngày 14/2/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Trên cơ sở bám sát các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, Kế hoạch này đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị bằng các hoạt động cụ thể.