Là bởi, đáp án cho câu hỏi dường như đã có sẵn đấy lâu rồi, và được xác quyết như một điều thiên kinh địa nghĩa đến mức chẳng mấy ai buồn băn khoăn với chuyện nước thơ/thi quốc hay nước truyện/truyện quốc nữa.
Việt Nam đương nhiên là một thi quốc, người ta khẳng định như thế, và cái tính chất nước thơ của nước Việt Nam hình như cũng khá dễ nhận biết. Nó thể hiện ở không khí sôi sục người người làm thơ nhà nhà làm thơ, và niềm sung sướng đến vô bờ của kẻ làm thơ khi được mang danh thi sĩ. Nó thể hiện ở các kiểu các cấp câu lạc bộ thơ ca, từ địa phương đến Trung ương, đã và đang mọc ra như cỏ sau mưa. Nó thể hiện ở kìn kìn các thể loại bản thảo thi tập đã và đang sốt ruột xếp hàng ở nhà in. Nó còn thể hiện ở sự vượt trội của khối lượng (được gọi là) thi phẩm so với khối lượng văn phẩm các loại… Thế nhưng, dù sự thật rành rành là vậy, tôi vẫn bị hút về phía ý nghĩa: Việt Nam là một nước truyện hơn là một nước thơ.
Là bởi, theo cách phổ quát, nói Việt Nam là một nước thơ/thi quốc, tức là nói trên phương diện sáng tạo/làm ra. Còn ở chiều ngược lại, tức phương diện tiếp nhận/thưởng thức, Việt Nam ắt phải là một nước truyện, vì thực tế là chúng ta thích nghe, thích đọc, và nhớ nhiều hơn, lâu hơn nếu cái được nghe được, đọc ấy có “chất truyện”. Hãy lấy ngay một ví dụ: Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm mà gần một thế kỷ trước đã được ông chủ bút Nam Phong tạp chí xem là Phúc âm, là Thánh thư của cả dân tộc Việt Nam.
Về Truyện Kiều, ở đây xin được phép nói ngắn gọn rằng, đó là sự dịch chuyển từ một tác phẩm do người Trung Quốc viết – Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân – sang một tác phẩm do người Việt Nam viết, từ một tiểu thuyết chương hồi sang một truyện thơ Nôm theo thể lục bát. Dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa so với nguyên tác, bên trong cái lớp áo lục bát ấy, Truyện Kiều vẫn nguyên vẹn là một trần thuật hư cấu, một chuyện kể về cuộc đời trầm luân của người con gái tài sắc tên Vương Thúy Kiều, một chuyện kể khiến bao thế hệ người đọc phải khóc phải cười theo mỗi biến cố, mỗi tình tiết của cốt truyện.
Nhìn từ lịch sử của việc đọc Truyện Kiều ở Việt Nam, thậm chí có thể nói rằng, chúng ta chú ý đến “chất truyện” ở Truyện Kiều nhiều hơn là chú ý đến “chất thơ”, tức thiên tài của Nguyễn Du trong việc tạo ra “độ khúc xạ” về mỹ học so với nguyên tác. Chính vì thế, dù Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là c (Tiếng kêu đứt ruột mới), thì người đọc Việt Nam nói chung, cho đến bây giờ, vẫn cứ quen gọi nó bằng cái tên Truyện Kiều. Một cách gọi tên đủ cho thấy chúng ta thích truyện đến thế nào.
Và, không chỉ một Truyện Kiều. Toàn bộ hệ thống tác phẩm truyện thơ Nôm của văn chương Việt Nam trung đại, cả truyện thơ tài tử - giai nhân (có tác giả) lẫn truyện thơ bình dân (khuyết danh), đều được tiếp nhận chủ yếu theo phương thức này. Người đọc thấy ở một truyện thơ Nôm bất kỳ câu chuyện về những con người với những cuộc đời có thăng giáng, có sướng khổ, có tốt xấu; Đường đời và kết cục của những con người ấy phản ánh một xác tín đạo đức nào đó của xã hội đương thời, một bài học nào đó về cách làm người mà ai nấy đều có thể và cần phải nhận biết. Ngoài ra, câu chuyện có hấp dẫn được người đọc hay không phần lớn phụ thuộc vào việc cốt truyện có nhiều tình tiết éo le, gay cấn, gây hồi hộp, và cách giải quyết vấn đề có đúng như người đọc mong chờ hay không, chứ không mấy phụ thuộc vào “nghệ thuật thơ ca” của tác phẩm.
(Tôi muốn nhấn mạnh ngoài lề: Nếu thừa nhận thực tế tiếp nhận này, chúng ta sẽ không thấy khó hiểu cái việc người đọc của thế kỷ XIX, và không chỉ của thế kỷ XIX, có thể mê mẩn với cả Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, cho dẫu “nghệ thuật thơ ca” ở hai tác phẩm truyện thơ Nôm có nhiều chỗ thể hiện khá rõ sự vênh lệch). Sau truyện thơ Nôm của văn chương trung đại là truyện thơ quốc ngữ của văn chương cận đại, thể loại mang hình thức lục bát, được sinh sôi và lan truyền đặc biệt mạnh mẽ ở miền đất mới Nam Bộ. Người Nam Bộ gọi chúng là “thơ”, với các tác phẩm tiêu biểu như: Thơ Hai Miêng, Thơ Sáu Trọng, Thơ thầy thông Chánh… Nhưng, thực tế thì chẳng mấy ai quan tâm đến “chất thơ” ở các tác phẩm “thơ” này. Họ đọc chúng và truyền tai nhau là bởi chúng kể rất sinh động những câu chuyện về xã hội đương thời, một xã hội đang chuyển mình theo hướng đô thị hóa, tư sản hóa, sự phân tầng giàu nghèo ngày một rõ nét, lối sống kiểu phương Tây bắt đầu được du nhập, những bất công xã hội kiểu mới bắt đầu nảy sinh, những mẫu người “anh hùng của thời đại chúng ta” cũng dần xuất hiện, cả trong đời thường và trong mơ ước của quần chúng…
Nghĩa là, nói tóm lại, cũng giống như với truyện thơ Nôm trước đó, truyện thơ quốc ngữ khiến cho người đọc người nghe phải say mê chủ yếu bởi “chất truyện” của chúng, còn “chất thơ”, nếu phải kể đến, có lẽ chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Đến đây, ắt sẽ có nhiều người đặt câu hỏi: Vậy thì, trong văn chương Việt Nam trung cận đại kéo dài đến cả nghìn năm, phải chăng thơ chỉ có thế thôi, chỉ là những truyện thơ Nôm và những truyện thơ quốc ngữ, những tác phẩm vốn có “vỏ thơ”, nhưng thực chất lại là “ruột truyện” và đã khiến cho đông đảo người đọc phải mê mẩn bằng chính những cái “ruột truyện” này? Dĩ nhiên, không phải thế. Truyền thống nghìn năm văn chương Việt Nam để lại nhiều thơ lắm, nhiều đến mức không đếm xuể những thi tập của các tác giả nhà Nho. Nhưng, họ làm thơ không phải để kể chuyện, mà là để ký thác những tâm trạng cá nhân, tức những thứ quần chúng khó mà cảm, mà chia sẻ cho được. Ấy là còn chưa kể họ viết bằng chữ Hán, một đánh đố thực sự đối với đại đa số người đọc đương thời. Vậy nên, xác quyết “Việt Nam là một thi quốc”, dù đã giới hạn “trong truyền thống”, liệu đã đáng tin?
Rồi kịp đến khi người Việt Nam đã biết cách kể chuyện bằng những hình thức văn xuôi – tiểu thuyết, truyện ngắn, ký. Dĩ nhiên là với văn tự quốc ngữ. Vì tác phẩm chữ Nôm không có và tôi thì không tính chữ Hán, bởi tiểu thuyết, truyện ngắn và ký chữ Hán trong văn chương Việt Nam chúng ta quá ít, không đủ… để gọi là biết – thì mảng thơ có “chất truyện” vẫn giữ thế thượng phong trong lựa chọn của phần đông người viết, và vẫn khiến cho phần đông người đọc phải yêu thích, nhớ lâu, nhớ dai. Hãy lấy hú họa vài ví dụ, bắt đầu từ Thơ Mới: Nhớ rừng của Thế Lữ, là lời con hổ kể chuyện cuộc đời… “lên voi xuống chó” của mình, từ lúc còn tự do tung hoành giữa chốn sơn lâm đến lúc phải chịu thân tù hãm, trở thành “trò lạ mắt, thứ đồ chơi” trong vườn bách thú. Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, là “thiên ký sự của một cô bé ngày xưa” như chính tác giả tự tay ghi chú, một thiên ký sự-tình-đầu gái quê, hồn nhiên và đẹp tựa như trong mộng. Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính là lời phó thác cậy nhờ đẫm lệ của người chị với đứa em trai vào đêm trước hôm về nhà chồng, qua đó trải ra cả một phận gái bạc vì bao nỗi tức tưởi duyên tình. Lời kỹ nữ của Xuân Diệu họa lên một đêm trăng trên sông lạnh, với người khách làng chơi chìm trong im lặng bí ẩn và người kỹ nữ đang rạp hồn mình xuống để xin chút yêu thương bố thí… Thơ thời chống Pháp thì Màu tím hoa sim của Hữu Loan, thơ thời chống Mỹ thì Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân – tôi vẫn nhặt các ví dụ một cách hú họa – rồi rất nhiều, rất nhiều tác phẩm nữa của các đại thụ thi ca như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… chính thực là những bài thơ có “chất truyện”.
Ở đây cần phải nói ngay: Tôi quan niệm “chất truyện” trong thơ không chỉ bó hẹp vào một cốt truyện hoặc một câu chuyện được kể lại bằng hình thức thơ. Cốt truyện hoặc câu chuyện có thể rất chi tiết chặt chẽ, nhưng cũng có thể rất mờ nhạt, lỏng lẻo, thậm chí có thể chẳng có cốt truyện hay câu chuyện nào hết. Nhưng, điều quan trọng là có một hoặc nhiều nội dung trần thuật được tác giả “tải” trong bài thơ bằng những câu, những đoạn có mối liên hệ logic ngữ nghĩa, đủ sức diễn tả với người đọc về một sự việc, một ấn tượng, một nhận thức, một cảm xúc hoặc một cảm giác nào đó. Để cho rõ, tôi sẽ thử lấy ví dụ bằng bài Buồn đêm mưa, một thi phẩm được khá nhiều người yêu thích của Huy Cận: “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương giọt nước mái nhà/ Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn/ Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi/ Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi/ Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ/ Tương tư hướng lạc, phương mờ/ Trời nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe/ Gió về, lòng rộng không che/ Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư”… Thuộc vào số ít những bài thơ mơ hồ bảng lảng nhất của thơ ca lãng mạn Việt Nam, nhưng Buồn đêm mưa không hề đánh đố người đọc. Câu và chữ của nó, có thể nói, đã được tập trung toàn bộ cho một nội dung trần thuật đọng lại trong ba từ khóa chỉ cảm giác: Buồn, lạnh, lẻ loi. Diễn đạt cách khác, bài thơ này đã hình thành từ nội dung trần thuật này: Nó diễn tả nỗi buồn, cái lạnh và sự lẻ loi của con người trong đêm nghe mưa.
Tôi hiểu “chất truyện” trong thơ là như thế. Và như thế, đồng nghĩa với việc coi tuyệt đại đa số thơ ca Việt Nam là thơ có “chất truyện”, tức là loại thơ được làm từ “ý” chứ không phải loại thơ được làm từ “chữ” (như quan niệm về thơ của thi hào Pháp Stephane Mallarme). Vấn đề này có thể và cần phải được diễn giải chi tiết hơn nữa, nhưng ở đây chỉ xin được nói ngắn gọn: Nó, loại thơ có “chất truyện”, “được làm từ ý” ấy hợp với nhu cầu về sự sáng rõ trong tiếp nhận (tôi nhấn mạnh) của tuyệt đại đa số người đọc Việt Nam. (Luôn luôn có một câu hỏi được đặt ra: Rốt cuộc thì bài thơ này nói gì?). Đã có nhiều, thậm chí rất nhiều giá trị thơ ca sáng giá được tạo ra từ loại thơ “dòng ý” này. Nhưng, cũng không thể chối bỏ được một sự thật rằng, sự thiên lệch quá mức về phía thơ “dòng ý” như thế đã nhanh chóng làm tắc nghẽn, thậm chí bóp chết, những khả năng sinh tồn khác của thơ Việt Nam, mà số phận lịch sử ngắn ngủi của thơ “dòng chữ” – với đơn cử một đại diện là Xuân Thu nhã tập, khúc vỹ thanh của Thơ Mới – là một minh chứng.
Hoài Nam