Cơ hội "vàng" cho người hiếm muộn
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với nhiều luật sư giàu kinh nghiệm ở Việt Nam. Đa số các luật sư đều khẳng định việc cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo là nên làm và nó sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều cặp đôi hiếm muộn hiện nay. Luật sư Phạm Văn Phất, trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết: "Cá nhân tôi ủng hộ dự thảo luật sửa đổi nếu đưa vào thực thi trong cuộc sống. Việc cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo là cần thiết hiện nay vì nó sẽ giải quyết nhu cầu của số đông những ông bố bà mẹ không thể có con. Trước đây, nhiều trường hợp trá hình lợi dụng với tính chất thương mại hóa vấn đề khiến Nhà nước gặp khó khăn trong khâu quản lý nên việc mang thai hộ bị cấm dưới mọi hình thức. Nhưng việc luật sửa đổi ban hành sẽ tạo ra cơ hội lớn cho nhiều người. Hơn nữa đây là quy định sẽ giải phóng về mặt pháp lý cho những đứa trẻ".
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fancy phân tích: Giống như người kiến trúc sư, trước khi xây dựng một tòa nhà, việc đầu tiên phải xem xem kết cấu của mảnh đất có chịu được lực của tòa nhà hay không. Đối với một nhà làm luật, muốn viết ra một điều luật phải xem người dân có phản ứng ra sao và có đón nhận? Nếu không tính toán điều kiện hạ tầng cho chuẩn thì điều luật đó không sống được trong đời sống dân sự. Một điều luật không sống được thì một nhà làm luật thông minh sẽ không bao giờ soạn thảo. Vì như thế, đời sống dân sự sẽ trở nên méo mó. Xét về quyền con người thì một người về mặt sinh học hoàn toàn có chủ quyền đối với thân thể của mình. Nếu có ai đó muốn thỏa thuận mang thai hộ thì đó là thỏa thuận về mặt dân sự và quốc gia không có thẩm quyền về can thiệp. Có chăng là điều khiển việc làm sao cho phù hợp với những yếu tố khác của xã hội. Người ta không thể cấm một người khác bỏ cơ bắp làm việc gì cho ai. Nhưng sẽ cấm được việc người đó dùng cơ bắp để gây tổn thương cho người khác. Vậy nếu một người có khả năng, sẵn sàng mang thai hộ người khác là chuyện hết sức bình thường, không thể cấm. Nhưng pháp luật có thể điều chỉnh hành động đó khi nó biến tướng làm suy giảm dân chúng.
Ảnh minh họa.
Thương mại hóa hay nhân đạo nằm ở khâu quản lý
Tỷ lệ vô sinh cao Theo báo cáo của bộ Y tế, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người vô sinh khá cao, chiếm 7,7%, tương đương 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng. Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: "Mang thai hộ là một nhu cầu có thật và phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Tuy nhiên do bị pháp luật nghiêm cấm nên nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn phải tìm cách ra nước ngoài hoặc thực hiện trái phép khiến việc quản lý của Nhà nước gặp nhiều khó khăn". |
Luật sư Tú cũng cho rằng: Khi không cấm và để cho sự việc phổ biến thì việc thương mại hóa sẽ giảm đi đáng kể. Điều quan trọng là nhà quản lý phải có những chính sách cụ thể, những quy định chặt chẽ và ràng buộc hai bên trong hồ sơ pháp lý để tránh những biến tướng xấu của vấn đề hết sức nhân đạo về bản chất này. Nếu những người phụ nữ nhờ mang thai hộ vì trốn tránh giá trị thiêng liêng trong khi mình vẫn có khả năng, chỉ vì sợ bụng xấu, da nhăn nheo thì pháp luật chắc chắn nên can thiệp.
Đồng quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Phất cho rằng: Vấn đề tiêu cực, thương mại hóa nằm ở khâu quản lý. Thông thường, theo nguyên tắc, việc sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản, là phải thực hiện ở các cơ sở y tế được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu cơ sở y tế đó được quản lý chặt chẽ, bác sỹ làm đúng thủ tục chuyên môn và tôn trọng tuyệt đối luật pháp thì không đáng lo ngại. Đây là việc làm mới nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về mặt quản lý. Do đó phải thận trọng để tránh mục đích thương mại lợi dụng. Cần phải có tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia pháp lý, kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan. "Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người Nhật có nhu cầu tìm người mang thai hộ. Tuy nhiên, khi đến Mỹ và một số nước khác, chi phí cho việc làm này quá lớn. Nghe nói ở Việt Nam có dự thảo luật này, họ hết sức háo hức và theo dõi từng ngày. Do đó, chúng ta cần tính đến cả yếu tố nước ngoài khi ban hành luật. Để đạt được mục đích nhân đạo ban đầu, cần có những hành lang pháp lý chi tiết và quy định những chế tài cụ thể.
Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng VPLS Tín Việt và cộng sự, đoàn LS TP. Hà Nội băn khoăn: "Chắc chắn sẽ vẫn còn những trường hợp lợi dụng chính sách nhân đạo để thương mại hóa và những biến tướng này sẽ khó kiểm soát. Phải làm rõ ranh giới nhân đạo và thương mại và có những quy định rõ ràng để phân biệt hai khái niệm. Theo tôi, cho phép mang thai hộ là tốt, phù hợp nhu cầu các gia đình không có khả năng sinh con tự nhiên vì đó là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc không dễ để kiểm soát. Chúng ta cần lường trước nhiều tình huống pháp lý có thể xảy để có chế tài xử lý".
Để có được cái nhìn đầy đủ hơn về "mang thai hộ", PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi, Học viện Quân y, một chuyên gia đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Ông Lâm chia sẻ: "Tôi đã chứng kiến nhiều biểu hiện khác nhau của nỗi đau không có khả năng làm mẹ của phụ nữ Việt Nam trên khắp đất nước. Khát khao làm mẹ của họ rất mãnh liệt. Nếu luật pháp sửa đổi mà cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo thì tôi thấy nó là cơ hội tốt cho những người mong muốn làm mẹ mà không có khả năng".
Về những lo ngại trong quá trình mang thai hộ, ông Lâm khẳng định: "Sẽ không có gì khó khăn trong quá trình người phụ nữ mang thai hộ". Người mang thai hộ không cần tác động gì vì nó giống hoàn toàn như quá trình mang thai tự nhiên của người mẹ bình thường. Cũng giống như việc cho nhận trứng, phôi tinh trùng hiện nay, kỹ thuật "mang thai hộ" nên được thực hiện ở cơ sở chuyên khoa được phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của bộ Y tế, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dương Thu