Kết hôn hay kết đôi dân sự?
LGBT là thuật ngữ dùng để chỉ bốn nhóm người: Đồng tính nữ (Lesbian); Đồng tính nam (Gay); Song tính hay lưỡng tính (Bisexual) và Chuyển giới (Transgender). Giới khoa học cho rằng, LGBT không phải là một căn bệnh, vì vậy không nên tìm cách chữa trị, càng không nên có cái nhìn kỳ thị, xa lánh.
Trên thế giới, nhiều cuộc điều tra đã cho các kết quả khác nhau nhưng biến động từ 1% - 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận họ là người đồng tính và song tính. Ở Việt Nam, chưa có cuộc điều tra chính thống nào nhưng nhiều nhà khoa học đã thừa nhận một tỉ lệ trung bình "an toàn" vào khoảng 3% dân số (tính theo năm 2007 là 55.38 triệu người) thì có khoảng 1.65 triệu người) là LGBT.
Ông Nicholas Booth, Cố vấn chính sách về Pháp quyền và Tiếp cận công lý (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã khai mạc hội thảo bằng những kinh nghiệm từ cách nhìn nhận của phía LHQ. Ông Nicholas Booth nhấn mạnh: "Tôi đã từng đi rất nhiều quốc gia để truyền đạt tinh thần từ phía LHQ về nhóm người LGBT trong xã hội.
Tại cuộc họp tháng 3/2012 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngài tổng thư ký cũng đã kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới chấm dứt nạn phân biệt đối xử và bạo lực đối với nhóm này. Không ai khác mà chính những người dị tính như chúng ta phải tích cực trong công cuộc giành lại quyền bình đẳng cho người đồng tính".
TS. Lê Quang Bình phát biểu tại hội thảo
Đến từ đất nước Hà Lan, ông Kees Waaldijk, Giáo sư khoa Luật so sánh định hướng giới, ĐH Luật Leiden cho rằng: "Trên thế giới đã có rất nhiều nước thừa nhận hôn nhân đồng tính (16 nước ở châu Âu, 2 nước ở châu Mỹ, 2 nước châu Úc, 1 nước châu Phi, và một số nước chỉ có một số tiểu bang cho phép). Đa số trong các nước này cho phép người đồng tính kết đôi dân sự. Chỉ có 11 nước cho phép kết hôn và các nước này tập trung chủ yếu ở châu Âu.
Trước khi có được những việc làm đáng mừng ấy, các nước này cũng đã từng có những giai đoạn vì thiếu hiểu biết căn bản về người đồng tính, dẫn đến những kỳ thị sai lầm. Ví dụ như ở Mỹ, một đất nước được xem là văn minh của thế giới cũng đã từng coi đồng tính là một căn bệnh và tìm cách chữa trị. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ tù những người đồng tính. Nhưng rồi, đất nước này cũng phải cho phép các tiểu bang có quyền tự chủ về hôn nhân cùng giới khi họ nhận ra đồng tính là một xu hướng tính dục, không phải một loại bệnh".
Ông Kees Waaldijk nhấn mạnh: "Xu hướng chung trong tương lai tôi tin rằng, tất cả các nước trên thế giới đều sẽ mở rộng phạm vi áp dụng chế định trong hôn nhân cho tất cả những cặp đồng tính. Chúng tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành nước đầu tiên ở châu Á cho phép hôn nhân đồng tính".
Đồng quan điểm này, TS. Lê Quang Bình, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và môi trường (ISEE) cho rằng: "Chỉ có 11% trong số những người được hỏi coi đồng tính là người bình thường. Số còn lại đều có sự kỳ thị nhất định đối với người đồng tính. Một nghiên cứu khác của ISEE cho kết quả, 83% người đồng tính thừa nhận mình bị dè bỉu, khinh thường, gần 10% đã bị đánh đập và chửi mắng khi cố gắng hòa nhập với xã hội của những người dị tính".
Cân nhắc nhưng sẽ là một cánh cửa mở
Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều chuyên gia có cái nhìn gợi mở, thừa nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, không ít người lo lắng về những bất cập "hậu hôn nhân đồng tính".
TS. Nguyễn Phương Lan giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: "Ngoài những người đồng tính theo đúng nghĩa (do cấu trúc gen bẩm sinh) còn có những người đồng tính giả (do bị chi phối bởi lối sống, sự đua đòi, bắt chước kiểu sống khác lạ). Khi chúng ta chưa có cơ sở để phân biệt giữa đồng tính thật và đồng tính giả thì chưa thể điều chỉnh luật được. Vẫn biết rằng, con người không có khả năng lựa chọn giới tính của mình khi được sinh ra mà là do bẩm sinh.
Những người đồng tính không có lỗi trong xu hướng tình dục của mình. Do đó, họ cần được sự thông cảm giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, xã hội, cần có sự bảo vệ của pháp luật về quyền con người tự nhiên của mình. Tuy nhiên, bảo vệ quyền lợi là không ngăn cấm việc sống chung, nhưng không nên thừa nhận hôn nhân".
Đồng quan điểm này, bà Trịnh Thị Lê Trâm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khẳng định: "Việc quan hệ tình dục, sống chung với nhau là quyền của người đồng tính, pháp luật Việt Nam không cấm. Nhưng để tiến tới cho phép họ kết hôn thì còn cần phải cân nhắc. Chúng ta nên học tập quốc tế nhưng cũng phải lưu ý đến phong tục tập quán của riêng mình".
Bà Vũ Minh Hồng (Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỏ ra băn khoăn lo ngại khi trao đổi với PV Người Đưa Tin: "Giả dụ nếu có chấp nhận kết hôn đồng giới, nhận con nuôi là phù hợp lẽ tự nhiên. Vậy thì một đứa trẻ sống trong gia đình của cặp đồng giới sẽ gọi ai là bố, ai là mẹ? Và nếu gọi một phụ nữ là bố hay gọi một người đàn ông là mẹ liệu có phù hợp quy luật tự nhiên hay không?".
TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bộ Tư pháp cho rằng: "Dù là bộ phận rất ít trong xã hội nhưng kết hôn đồng giới là nhu cầu tâm tư tình cảm của một bộ phận công dân trong xã hội. Tuy nhiên, để chấp nhận chúng ta phải tính toán đến khá nhiều việc như dư luận xã hội, phong tục tập quán và văn hóa truyền thống. Để có được một quyết sách đúng đắn, các cơ quan Nhà nước phải có nhiều suy tính kỹ lưỡng".
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, bộ Tư pháp cho biết: "Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, lấy ý kiến của nhiều cơ quan để có đề xuất. Việc chấp nhận người đồng tính kết đôi dân sự là việc làm tạo cơ chế giải quyết hậu quả sau hôn nhân.
Tuy nhiên, đằng sau nó còn rất nhiều vấn đề pháp lý cần đưa ra bàn bạc trước khi đi đến thống nhất. Điển hình là việc phân định quyền lợi, nghĩa vụ đối với tài sản, con cái giữa các bên. Hay việc trả lời câu hỏi cặp đống tính có được nhận con nuôi hay không? Nếu chia tay, quyền nuôi con sẽ thuộc về ai?.."
92% mong muốn pháp luật cho phép kết hôn đồng giới Điều tra của iSEE năm 2012 cho kết quả: "92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu là 2.401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Nghiên cứu đồng tính nam cho kết quả: 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được chung sống có đăng ký, 4% muốn sống chung không đăng ký. Nghiên cứu đồng tình nữ cho thấy: Nếu pháp luật cho phép thì 77% trong số họ muốn kết hôn, 3% không muốn, 16% không thấy kết hôn là quan trọng và số còn lại không có phản hồi". |
Liệt kê hôn nhân đồng tính Ông Nguyễn Hồng Hải, trưởng phòng Pháp luật Dân sự, vụ Pháp luật dân sự, bộ Tư pháp khẳng định: "Có ba hình thức kết đôi giữa những người đồng tính. Thứ nhất là "hôn nhân hợp pháp". Đây là hình thức có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, được Nhà nước thừa nhận, giữa các bên có quan hệ hôn nhân được sự bảo hộ quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân quy định trong luật hôn nhân. Thứ hai là hình thức thấp hơn "kết đôi dân sự" (hay còn gọi là "chung sống như vợ chồng có đăng ký". Hình thức thứ ba là chung sống như vợ chồng không đăng ký. Nghĩa là các bên tự thỏa thuận quyền và nghĩa vụ với nhau khi chung sống. Ở Việt Nam mới chỉ có hình thức là đăng ký kết hôn giữa các cặp đôi khác giới". |
Dương Thu