Chiều 12/10, Nhà hát Kịch Việt Nam đã thông tin về dự án nghệ thuật mới hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam và 30 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc với vở diễn Bến không chồng.
Bến không chồng lấy bối cảnh ở làng Đông, một làng quê điển hình tại đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Nhân vật trong câu chuyện kịch là những người phụ nữ mắc kẹt giữa những hủ tục, định kiến của dòng họ và xóm giềng. Những lời dị nghị như những nhát dao cứa sâu vào mỗi người, làm cho họ bức bối đến nỗi tưởng chừng như nghẹt thở. Nhưng vượt qua tất cả những điều bất hạnh đó, ở sâu thẳm bên trong là tình thương yêu, sự hy sinh và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Đạo diễn Kim Min Jeong cho hay: "Tôi không có cảm giác xa lạ khi đọc tác phẩm này bởi Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa.
Chúng ta đều đã trải qua đau thương do chiến tranh và đều có ý chí hướng tới tương lai. Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia dàn dựng tác phẩm ý nghĩa như thế này để chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hai nước".
Nói về quá trình làm việc với các nghệ sĩ Việt Nam, đạo diễn Kim Min Jeong cho biết bà đã có trải nghiệm tuyệt vời.
“Tôi và đạo diễn Lâm Tùng đã có những trao đổi, tranh luận để tìm ra hướng đi hợp lý nhất cho vở diễn. Dù bất đồng ngôn ngữ khiến cho việc dàn dựng có chút bất tiện nhưng thông qua phiên dịch, chúng tôi vẫn tìm thấy quan điểm nghệ thuật chung. Quan trọng nhất là 13 diễn viên Việt Nam tham gia diễn xuất đều rất tuyệt vời,” bà Kim Min Jeong cho biết.
Theo đó, đạo cụ, phục trang và phối cảnh sân khấu được thực hiện thuần Việt nhất có thể, hứa hẹn mang đến cảm xúc chân thực cho khán giả tại Hàn Quốc. Đặc biệt, đạo diễn Kim Min Jeong bật mí rằng bà sẽ tạo ra một sân khấu nước, trên đó có hình ảnh bến sông Đình là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt vở kịch, gắn liền với thân phận nhân vật.
Nói về vở diễn, NSƯT Xuân Bắc cho hay: "Vở diễn này là bước đầu trong dự án quan trọng của hai đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nước. Cả hai quốc gia đều đã từng trải qua chiến tranh. Hình ảnh người phụ nữ gắn liền với những nỗi khổ cực. Cuộc sống của người dân trong thời chiến và thời hậu chiến kéo dài nhiều năm tạo nên những "vết thương" cần được chữa lành.
Dự án là giai đoạn 1 của chương trình và chúng tôi đã lên kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo, ít nhất là 3 và lên kế hoạch cho 5 năm tới. Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp cận với quy trình sản xuất một vở kịch sân khấu của Hàn Quốc. Trong thời gian qua, chúng tôi đã có các cuộc làm việc gắn kết, ăn ý đồng điệu. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn sẽ có một chuyến công tác tại Hàn Quốc.
Bên cạnh dàn dựng những vở diễn hay, thể hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, thì chúng tôi cũng muốn quảng bá văn hoá, du lịch, giao lưu với bạn bè quốc tế để nhiều người hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam".
Nói về việc bản quyền của kịch bản, nhà biên kịch Vũ Thị Thu Phong cho hay: "Từ khi tôi chuyển thể tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dươnng Hướng sang kịch bản Bến không chồng, tôi đã hỏi ý kiến tác giả rồi. Đã có một văn bản nhà văn Dương Hướng ký đồng ý cho tôi chuyển thể sang kịch bản sân khấu. Vì viết kịch bản này mất nhiều thời gian và tâm huyết của tôi. Tôi vốn là một biên kịch điện ảnh- truyền hình, đây là kịch bản đầu tiên tôi chuyển sang lĩnh sân khấu. Chú Dương Hướng rất vui khi kịch bản được giải thưởng năm 2019. Khi kịch bản đạt giải, tôi còn trích một chút tiền thưởng của tác phẩm để biếu chú như một chút lộc của nghề. Chú Hướng Dương hiện nay là trưởng ban văn xuôi của Hội nhà văn Việt Nam. Chú rất thiện chí và chờ đợi kịch bản lên sân khấu".
Bến không chồng là tác phẩm đầu tiên và bước đầu trong dự án dài hơi trong mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc do Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) thực hiện.
Được biết, vở diễn sẽ được giới thiệu tại Hàn Quốc trong tháng 11 với phụ đề tiếng Hàn. Sau đó, các nghệ sĩ sẽ trình diễn phục vụ khán giả tại Việt Nam.