Theo khảo sát thường niên của Internations, mạng lưới người sống ở nước ngoài lớn nhất thế giới với hơn 4 triệu thành viên đã đưa ra danh sách qua khảo sát 12.000 người từ 171 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm nay, Việt Nam được xếp hạng 14, kém 7 bậc so với năm 2022. Trong khi đó, 4 quốc gia dẫn đầu danh sách 2023 gồm Mexico, Tây Ban Nha, Panama và Malaysia.
Cụ thể, Internations thực hiện cuộc khảo sát dựa trên 56 yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của một người tại nước ngoài như chi phí sinh hoạt, nhà ở hay khả năng sử dụng Internet tốc độ cao.
Năm nay, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia châu Á được người nước ngoài đánh giá cao nhất ở chỉ số "an toàn và an ninh". Ở châu Á, Việt Nam xếp sau Đài Loan (Trung Quốc), UAE, Singapore, Bahrain, Qatar, Oman, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và đứng thứ 35 toàn cầu về chỉ số này.
Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam được nhiều người nước ngoài đánh giá "dễ dàng định cư" với các chỉ số tích cực ở mục "văn hóa và sự chào đón" (16); "dễ dàng kết bạn" (11) và "sự thân thiện của người địa phương" (5).
Đáng chý ý, ở chỉ số "tài chính cá nhân", Việt Nam là quốc gia dẫn đầu. Chỉ số này được tính trên ba yếu tố là sự hài lòng với tình hình tài chính, chi phí sinh hoạt chung, thu nhập của người tham gia khảo sát có đủ cho một cuộc sống thoải mái không. 77% người được hỏi đánh giá chi phí sinh hoạt ở mức thuận lợi. Chỉ số trung bình toàn cầu là 44%.
"Một trong những điều tôi thích nhất ở Việt Nam là chi phí sinh hoạt thấp", một người Mỹ tham gia khảo sát nói. Các chuyên gia của Internations cũng nhận xét "Việt Nam không thể bị đánh bại" trong hạng mục này.
Cũng theo Internations cho biết, hơn 4/5 (82%) người nước ngoài đánh giá người Việt Nam thân thiện, mến khách trong khi chỉ số này ở toàn cầu chỉ khoảng 67%. Họ cảm thấy hài lòng khi được chào đón ở Việt Nam.
Mặc dù lọt top 15 quốc gia đáng sống với người nước ngoài, tuy nhiên, nước ta được đánh giá có chất lượng môi trường kém. Khoảng 55% người nước ngoài sống tại Việt Nam cảm thấy khó chịu với chất lượng không khí, cao gấp ba lần so với tỉ lệ chung trên thế giới. Ngoài ra, người nước ngoài cũng đánh giá kém hài lòng với các dịch vụ hành chính trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Họ gặp khó khăn trong việc xin visa để chuyển tới Việt Nam sinh sống. Ngôn ngữ tiếng Việt cũng là trở ngại với người nước ngoài. "Thực tế, không một người nước ngoài nào sinh sống ở Việt Nam khẳng định có thể nói tốt ngôn ngữ này, trong khi chỉ số này trên toàn cầu là 34%", báo cáo nêu.
Mexico dẫn đầu danh sách và đây là năm thứ 9 lọt vào top 5. Quốc gia này được đánh giá cao ở chỉ số "dễ định cư", "sự thân thiện của người địa phương". 75% người nước ngoài tham gia khảo sát cho biết họ dễ dàng kết bạn với người địa phương. Tỉ lệ phổ biến toàn cầu là 43%. Trong khi đó, Malaysia xếp thứ tư trong bảng xếp hạng, một phần nhờ chỉ số "chất lượng cuộc sống" tăng hạng trong năm nay. Quốc gia Đông Nam Á này cũng được đánh giá cao về sự thân thiện và yếu tố tài chính cá nhân.
Nghiên cứu mới đây của PATA đưa ra 3 kịch bản phát triển du lịch trong giai đoạn 2023 – 2025 cho các điểm đến tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo kịch bản thấp nhất, Việt Nam có thể đón khoảng 9,16 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, tức là phục hồi khoảng 50% so với năm 2019. Đến giai đoạn 2024 – 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào khoảng 13,1 triệu lượt mỗi năm, xấp xỉ 73% trước đại dịch.
Hai kịch bản lạc quan hơn của PATA dự báo Việt Nam đón từ 14,3 đến 16,7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Nếu theo triển vọng này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn như mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024, với lượng khách từ 19,5 đến 23,2 triệu lượt.
Đặc biệt đến năm 2025, nghiên cứu dự báo 5 thị trường nguồn hàng đầu của Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Trung Quốc được dự đoán sẽ dần tăng tỉ trọng trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam, từ 8,59% năm 2022 lên 27,05%, 27,18% và 30,73% giai đoạn 2023 - 2025 theo các kịch bản tương ứng.
Trúc Chi (t/h theo Vnexpress, Vietnamnet, VOV)