Việt Nam dự kiến hoàn thành việc xây dựng xí nghiệp sửa chữa và bảo dưỡng các tàu do Liên Xô và Nga chế tạo tại Cam Ranh trước năm 2016, - hãng tin RIA Novosti được biết hôm thứ Năm từ ông Evgeni Shustikov, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm sửa chữa Ngôi sao (Zvezdochka), nhân dịp Triển lãm Hải quân NAMEXPO đầu tiên.
Chiến hạm tàng hình Gerpard Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam.
Một nhóm chuyên gia của Nga do một đại diện của công ty nhà nước Rosoboronexport đứng đầu đã lên đường sang Việt Nam để giám sát dự án xây dựng trung tâm sửa chữa này."Gần đây, một nhóm chuyên gia Nga dưới sự chỉ đạo của đại diện Rosoboronexport đã đến Việt Nam để bảo vệ dự án thiết kế nhà máy. Doanh nghiệp sẽ tham gia cung cấp dịch vụ sửa chữa từ nhỏ đến cấp trung bình cho toàn bộ các loại tàu nổi và tàu ngầm được Liên Xô và Nga sản xuất đã bán cho Việt Nam," – quan chức cho biết. Ông bổ sung rằng, trong đó có các tàu Gepard và tàu ngầm dự án 636. "Kế hoạch của phía Việt Nam là hoàn thành hoạt động thi công xí nghiệp ở Cam Ranh vào năm 2015," – ông Shustikov nói.
Theo ông Shustikov, trung tâm này sẽ sửa chữa, bảo trì cho tới trùng tu tất cả các lớp và các loại tàu do Nga và Liên Xô trước đây sản xuất. Tàu ngầm Kilo điện - diesel thuộc Dự án 636 Varshavyanka và chiến hạm 11661E Gepard-3.9 cũng nằm trong danh mục này..
Theo Ria Novosti, ngày 24/9 tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsky của Nga đã diễn ra lễ khởi công đóng 2 tàu Gepard-3.9 mới cho Việt Nam. Hợp đồng này được ký vào tháng 12/2011 và dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam lần lượt vào năm 2016 và 2017. Hiện tại, trong biên chế của Hải quân Việt Nam đã có 2 tàu Gepard-3.9 là tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mua của Nga theo một hợp đồng năm 2005.
Tàu tên lửa Molniya mang số hiệu HQ 376 của Việt Nam.
Đối với tàu ngầm Kilo, chiếc đầu tiên trong số 6 chiếc sẽ về Việt Nam vào tháng 11/2013. Chiếc tàu này mang tên Hà Nội và bắt đầu chạy thử nghiệm từ tháng 12/2012. Dự kiến, Nga sẽ hoàn tất bàn giao 6 chiếc cho Việt Nam vào năm 2019.
Ngoài chiến hạm Gepard-3.9 và tàu ngầm phi hạt nhân Kilo, Việt Nam cũng đã và đang mua nhiều tàu hải quân các loại khác của Nga. Việt Nam cũng đang tự đóng các loại tàu tuần tra và đổ bộ cỡ nhỏ dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga. Các tàu của Nga như tàu pháo Svetlyak, Molniya và các loại khác (mua từ những năm 1990 và tiếp tục đóng mới) là lực lượng chủ lực trong trang bị của Hải quân Việt Nam.
T.H (Theo Ria-Novosti, Tiếng nói nước Nga, Đất Việt)