Từ một loài vật nuôi để trông nhà giữ cửa, chó đã trở thành người bạn trung thành trong mỗi gia đình Việt Nam.
Con thú bốn chân ấy còn được vinh danh là loài vật trung thành nhất. Những câu chuyện có thật về những chú chó liều mình cứu chủ trong thiên tai, kiên nhẫn chờ chủ bên ngoài phòng khám, thơ thẩn cạnh nơi an nghỉ vĩnh viễn của chủ… vẫn được kể và lưu truyền lại như những tượng đài về tình nghĩa của loài bốn chân.
Và có lẽ chú chó Hachiko và câu chuyện của chú với nhà ga Shibuya (Nhật Bản) đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt. 9 năm, 9 tháng, 15 ngày mỏi mòn chờ bóng dáng giáo sư Hidesaburo Ueno đã là minh chứng hùng hồn nhất về tấm lòng kiên trung của loài chó.
Ấy vậy mà “người bạn trung thành của con người” bị chính con người đối xử thật tàn nhẫn. Nhiều người Việt đã bao biện cho thói quen man rợ, sở thích ăn “cầy tơ bảy món” bằng một mỹ từ “văn hóa ẩm thực”.
Người ta thường ca tụng “Nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm” đề cao sự thông minh, lanh lợi của giống chó nuôi nhưng khi ra đến bàn nhậu thì con chó lại được nhớ đến bằng “Sống trên đời không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”.
Theo Đông y, thịt chó (cẩu nhục) có vị mặn, chua, tính nóng, không độc; có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí, trừ hàn… Đây chính là “tử huyệt” khiến loài chó gặp phải bi kịch từ thú vui ẩm thực.
Người ta đam mê món thịt cầy, sẵn sàng bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt chó bổ dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Và quan trọng hơn, để thỏa mãn một sở thích ăn uống, vô hình chung chúng ta đã gieo mầm bất lương cho không ít kẻ vẫn bị gọi là “cẩu tặc”.
Có cầu ắt có cung. Khi nhu cầu ăn thịt chó tăng cao, người ta sẵn sàng đánh bả, câu móc những chú chó lang thang ngoài đường. Hay “phường đạo tặc” còn manh động đến mức sẵn sàng vào nhà dân để “cướp” chó.
Nếu làm ăn trót lọt, việc trộm chó chắc hẳn là một “nghề” có thu nhập khá cao. Bởi chỉ cần đánh bẫy thành công một con chó đã có thể kiếm tiền triệu. Nhưng cái giá phải trả cho những “phi vụ bất thành” là không hề rẻ. Nhẹ thì bị đánh tơi tả, giao chính quyền. Nặng thì bỏ mạng trong trận đòn hội đồng chí tử của những người yêu mến chó. Bao gương nhãn tiền vẫn nhan nhản khắp nơi dường như chẳng làm những kẻ “đầu trộm đuôi cướp” ấy nản lòng, chùng chân.
Thống kê của ACPA một lần nữa đánh động chúng ta về một thực trạng đáng buồn: Sở thích ăn thịt chó và nạn trộm chó. Hãy nhân lên ý thức của mỗi người trong việc bảo vệ loài vật bốn chân – người bạn của con người. Quả thật, chẳng vinh dự gì khi chúng ta “đứng top” như thế này đâu!
Thanh Ny
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả