Số liệu từ hội thảo “Lộ trình ngừng sử dụng amiăng tại Việt Nam vào năm 2020” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 16.3 cho thấy, amiăng đang gây nên nhiều bệnh ung thư nguy hiểm và có hậu quả lâu dài, trong đó amiăng trắng độc hại hơn cả.
Theo WHO, bụi amiăng xâm nhập vào con người qua hô hấp mà mắt thường không nhìn thấy được. Không chỉ các công nhân ở các nhà máy sản xuất mái lợp amiăng mà người dân khi sử dụng mái lợp amiăng cũng có thể bị nhiễm.
Ở miền núi, nông thôn người dân thường có thói quen dùng nước mưa từ mái lợp amiăng xuống nên amiăng có thể ngấm vào đường tiêu hóa, dẫn đến ung thư thanh quản, phổi.
Ông Phillip Haxelton – Điều phối chiến dịch loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng (Tổ chức APHEDA- Úc) cho biết, trong những năm đầu thế kỷ 20, Úc đã sử dụng rất nhiều sản phẩm amiăng (đỉnh điểm là những năm 1960-1980, trung bình mỗi năm Úc sử dụng hơn 700.000 tấn amiăng. Điều đó được chứng minh là nguyên nhân gây ra hàng chục nghìn ca ung thư trung biểu mô ác tính và để lại những hậu quả lâu dài.
“Dù amiăng đã được cấm sử dụng tại Úc vào năm 2003 nhưng chúng vẫn để lại hậu quả lâu dài. Chúng tôi ước tính đến năm 2020, Úc sẽ có hơn 18.000 ca ung thư trung biểu mô ác tính do amiăng và từ 30.000-40.000 ca ung thư khác liên quan đến amiăng” – ông P.Haxelton khẳng định.
Ông P.Haxelton cho biết, các loại phơi nhiễm amiăng bao gồm cả công nhân bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp; phơi nhiễm do gần các nhà máy và hầm mỏ; phơi nhiễm trong gia đình (qua quần áo những lao động trong gia đình mang về); phôi nhiễm môi trường; phơi nhiễm thụ động trong các tòa nhà, gia đình có dùng sản phẩm amiăng.
Ông Phạm Xuân Thành – Phó trưởng phòng sức khỏe lao động, phòng chống thương tích (Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế) cho biết, ở Việt Nam chưa có điều kiện để nghiên cứu về tác động của amiăng với các bệnh ung thư trên diện rộng.
Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận của 9 Trung tâm ung thư trên toàn quốc về các trường hợp ung thư trung biểu mô từ năm 1990 đến nay có xu hướng tăng từ 4,2 ca/năm vào năm 2000 lên đến 8,25 ca năm 2014. Dự báo số ca mắc ung thư trung biểu mô của Việt Nam sẽ tăng khoảng 11.500 ca đối với lượng amiăng mà Việt Nam tiêu thụ giai đoạn 1990 đến 2030” – ông Thành cho biết.
Theo WHO, chi phí dành cho ung thư do amiăng đã vượt qua giá trị kinh tế. Năm 2008, thế giới dành 2,4 tỷ USD chi phí bệnh do amiăng, do với 802 triệu USD mà nó mang lại.
Theo ông Thành, rất nhiều nghiên cứu của WHO và các tổ chức quốc tế đã chứng minh rõ ràng về tác hại của amiăng. Nếu bây giờ chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu tác động thì 20-30 năm nữa mới có kết quả (người phơi nhiễm bị ung thư), đến khi đó sẽ có thêm rất nhiều người chịu hậu quả nghiêm trọng. “WHO ước tính ½ số ca ung thư nghề nghiệp là do amiăng và thêm 1kg amiăng bình quân đầu người tiêu thụ sẽ làm tăng 2,4 lần tỷ lệ ung thư trung biểu mô trong cộng đồng” – ông Thành nói.
Hiện Bộ Y tế cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến ami ăng giai đoạn 2016-2020 nhằm gia tăng nhận thức tác hại về amiăng, hướng tới giảm tiêu thị amiăng và chấm dứt nhập khẩu amiăng vào năm 2020.
Theo báo cáo của APHEDA từ năm 2011-2013, Việt Nam luôn xếp thứ 8 trong các nước tiêu thụ amiăng trắng lớn nhất trên thế giới với các con số 60.000 tấn, 79.000 tấn và 58.000 tấn. Đứng đầu các nước tiêu thụ amiăng trắng trên thế giới là Trung Quốc với 570.000 tấn vào năm 2013. Trung bình mỗi năm Việt Nam dùng amiăng để sản xuất và đưa vào sử dụng khoảng 100 triệu m2 tấm lợp amiăng.
Theo Dân Việt