Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu 15.334 tấn chè, trị giá 27,4 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng trước; tăng 46,4% về lượng và tăng 50% về trị giá so với tháng 7/2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 77.280 tấn, trị giá 133,4 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.726 USD/tấn, tăng 1,5%.
Theo báo Công Thương, Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, đạt 22,3 nghìn tấn, trị giá 47 triệu USD, giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.100 USD/tấn, tăng gần 10%.
Sau khi giảm mạnh từ đầu năm, thị trường này đang dần lấy lại đà nhập khẩu so với năm ngoái. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Đài Loan (Trung Quốc), đạt 8.131 tấn, tương đương gần 14 triệu USD, giá 1.712 USD/tấn, tăng 2,4% về lượng, tăng 6,3% về trị giá và tăng 3,7% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với 7.826 tấn, tương đương 11,3 triệu USD, tăng tới 236% về lượng và tăng 107% về trị giá. Giá xuất khẩu chè bình quân sang thị trường này chỉ đạt 1.446 USD/tấn, giảm sâu 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 7, quốc gia này đã nhập khẩu 1.528 tấn chè từ Việt Nam, tương đương hơn 2 triệu USD, tăng mạnh 502% về lượng, tăng 385% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng cao vượt bậc chủ yếu do mức nền thấp hồi đầu năm 2023 và do xuất khẩu chè đã tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm 2023, tạo đà cho năm 2024.
Tại Việt Nam, cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước, tiếp đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4%. Một số địa phương có diện tích chè lớn phải kể đến Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng,…
Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh.
Các sản phẩm từ cây chè của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Việt Nam hiện có hơn 170 giống chè, hương vị đặc biệt, được thế giới ưa chuộng như: Chè sao lăn, chè xanh, chè ô long, chè Hương, chè thảo dược...
Thông tin trên tạp chí Hải quan, đánh giá về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hầu hết trị giá nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, ngành chè của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…
Minh Hoa (t/h)