“Viết thư pháp phải là người am hiểu, đức độ”
Theo lời nhiều nghệ nhân thư pháp, ngày xưa, người viết thư pháp thường là những bậc danh sĩ, những ông đồ già, những vị tu hành. Ngoài viết chữ đẹp ra, họ còn là những người hiểu biết uyên thâm, đức độ. Ngày nay, thư pháp ngày càng thương mại hóa, người ta viết thư pháp như phong trào, như là một thứ mốt thời thượng, thậm chí nhiều người viết thư pháp để khoe khoang... Trao đổi về nghệ thuật thư pháp với PV, nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Phó chủ nhiệm CLB UNESCO thư pháp Việt Nam cho rằng, thư pháp là một bộ môn nghệ thuật. Người viết phải thể hiện được tài năng, tâm hồn, phong cách và thể hiện cái riêng của mình ở đó. Qua những bức thư, truyền giao hứng thú, tình cảm, tư tưởng đến người thưởng thức thư pháp. “Để viết được chữ thư pháp, người viết phải là người có đức độ, có trình độ văn hoá, có hiểu biết văn học nghệ thuật, hội hoạ chứ không phải thích viết là được. Học được nghệ thuật này, người viết phải thật sự khổ luyện. Với chữ Hán, bao giờ người tập viết cũng bắt đầu từ lúc nhỏ tuổi, công việc ấy không phải ngày một, ngày hai mà thành, có người bỏ hàng năm trời để luyện các nét cơ bản vẫn chưa thạo”, ông Chí nói.
Nhận xét về trào lưu viết thư pháp sexy hiện nay, nhà thư pháp Nguyễn Duy Đối (ở Yên Thành, Nghệ An) phản đối kịch liệt: “Thư pháp là một khoa học, có cách thức, phép tắc, quy cách chặt chẽ. Dù người viết thư pháp có sáng tạo thế nào thì cũng không thể vượt ra ngoài cái pháp đó. Vì thế, những bức hình thư pháp không theo phép tắc, khuôn phép phải bị lên án”. Theo ông Đối, người viết và người dùng thư pháp cùng tìm thấy cái tốt đẹp trong thư pháp. Thư pháp không làm cho ta sống lâu hơn, nhưng nó làm cho ta sống sâu hơn. Nhìn một bức thư pháp, người tinh ý có thể bắt mạch được thần thái, ruột gan của người viết.
Phong trào viết thư pháp Việt phát triển rầm rộ từ cuối thế kỷ XX. Nghệ thuật này được truyền lại và kế thừa bởi những người yêu thích và chuyên tâm với chữ. Từ chỗ có một vài tay viết chữ từ trước, đến giờ đâu đâu cũng thấy các câu lạc bộ thư pháp. Ngày nay, Việt Nam có nghệ thuật viết chữ Việt bằng bút lông mực tàu, cũng gọi là thư pháp. Nhiều người còn cho rằng, thư pháp ở nước ta hiện nay còn được hiểu là "vẽ chữ" và cả... "viết chữ kiểu". Ông Chí cho biết: “Thậm chí, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của thị trường, xuất hiện nhiều trò viết nhại thư pháp rồi bày bán, gọi là "cho chữ". Nhưng thực tế, nhiều người viết thư pháp này không bỏ chút công phu nào cho nghệ thuật, cũng chưa thực sự am hiểu về văn hóa, về văn học nghệ thuật, chỉ có một chút năng khiếu về hội họa.
Những người viết thư pháp chữ Việt này cũng được gọi là các ông đồ thời @...” Nhà thư pháp Trần Quốc Chí chia sẻ rằng, hiện tại, ông cảm thấy bị tổn thương trong một chừng mực nào đó, bởi “cuộc chơi” của những người có tâm huyết vô hình trung bị đánh đồng cùng một khái niệm thư pháp Việt với những con chữ ngoằn ngoèo trên các bảng quảng cáo, trên các món hàng bày bán.
Với ông Chí, sáng tạo như thế nào thì cũng phải trên nền nghệ thuật sẵn có và người thực hiện nó phải làm một cuộc dấn thân thực sự với tìm tòi, nghiên cứu, hy sinh và trả giá. Mỗi con chữ viết ra không phải là một sự trình bày đơn thuần mà là hành động ký thác tâm hồn, ghi chép khoảnh khắc thăng hoa của nội tâm, của văn hóa dân tộc lưu cữu nơi huyết quản.
Nhà thư pháp Trần Quốc Chí.
Thư pháp hay cố tình gợi dục?
Thời gian gần đây, những bức hình viết chữ thư pháp theo phong cách sexy - thể hiện những đường cong cơ thể phụ nữ đang được xem là sáng tạo mới và lạ trong giới trẻ yêu thích thư pháp. "Thư pháp sexy" là tên gọi mà giới trẻ đặt cho những bức thư pháp lạ mắt với nét phác thảo những cô gái gần như khỏa thân trong các tư thế uốn éo, ngồi, nằm khác nhau. Tác giả đã tận dụng đường cong trên cơ thể phụ nữ để tạo thành chữ cái A, G hay H. Những câu chúc năm mới nằm trên cơ thể người phụ nữ như: Chúc mừng năm mới, An khang thịnh vượng được thể hiện một cách khá mát mẻ.
Khi những bức hình chữ này được đăng tải trên nhiều website, forum, ngay lập tức bị phản ứng rất gay gắt. Phần lớn đều cho rằng, thư pháp theo hình thức này quá phản cảm và không chấp nhận được. Chị N.T.Bình, thành viên câu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội, bình luận: “Nói đến thư pháp là người ta hình dung về sự thanh tao, thánh thiện. Đem hình ảnh những cô gái lả lơi, gần như khỏa thân vào thư pháp chỉ làm hoen ố, dung tục hóa nghệ thuật viết chữ đẹp mang ý nghĩa văn hóa. Hy vọng đây chỉ là sở thích nhất thời của các bạn trẻ yêu thư pháp thôi, nhưng nếu phong trào này cứ kéo dài thật báo động”.
Ông Chí cũng bất bình trước việc giới trẻ ngày nay quá dễ dãi trong việc viết thư pháp. Hiện nay, người ta không quan tâm đến nghệ thuật sử dụng cây bút lông nên viết chữ không cần các thao tác cơ bản; chữ Việt là loại chữ ký âm nên viết bằng bút lông làm sao thể hiện hình ảnh? Có rất ít người viết thư pháp trẻ hiện nay thể hiện được sự nhanh mạnh, nét khoan thai, lực chữ sung mãn, dáng điệu gân guốc, hay hiểu biết về cắt tiết, cắt nét, thể chữ...
Cùng với ý kiến này, nhà thư pháp trẻ Minh Hoàng, CLB Thư pháp Nét Việt, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện một số bạn trẻ đang lạm dụng sự sáng tạo giữa nghệ thuật tạo hình Typography trong thiết kế, biến chữ "thư pháp" thành tranh sexy. Đây chỉ là ý thích chủ quan, gây nên sự phản cảm, làm biến tướng đi sự tinh túy vốn có của nghệ thuật thư pháp.
“Đặc biệt, những câu mang ý nghĩa chúc mừng năm mới thì phải thanh, phải thể hiện sự trong sáng. Nhất là trong thư pháp, một nghệ thuật chỉ có cái đẹp, thanh tao, không hề có chỗ cho sự dung tục, nhà thư pháp Hoàng nói. Hầu hết các nghệ nhân thư pháp đều khẳng định rằng, để viết thư pháp và thưởng ngoạn cảnh viết thư pháp chỉ dành cho những lúc an nhàn, thư thái trong không khí đầu xuân. Bởi nghệ thuật viết chữ đẹp là thú chơi tao nhã, đậm đà tính văn hóa dân tộc, vì thế với những bức hình sexy mà các bạn trẻ hiện nay cho là loại hình thư pháp sáng tạo là một sự xúc phạm tới thư pháp chân chính.
Một sự xúc phạm nghệ thuật thư pháp Phản đối loại hình thư pháp này, nhà thư pháp Trần Quốc Chí nói: "Những bức chữ loằng ngoằng kia không thể được gọi là thư pháp. Trái lại đó là sự phản cảm, xúc phạm đối với nghệ thuật thư pháp chân chính. Sáng tạo là tốt, nhưng cái gì thái quá cũng là sai lầm. Phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ thì sáng tạo đó mới có giá trị đích thực, mới thực sự hữu ích. Đừng lạm dụng hai chữ sáng tạo để làm những việc phản khoa học, phản nghệ thuật, phản giáo dục. Theo tôi, cũng nên để tâm tìm tòi một cách nghiêm túc, công phu về cách viết đẹp đối với chữ Việt để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người viết cũng như người sử dụng bức tranh chữ”. |
Lương Hiền - Ong Lý