Lý giải về nguyên nhân này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Bùi Văn Nhơn cho rằng, việc làm luận văn thuê ở nước ta đã có từ rất lâu rồi. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, GS. Nhơn đã được mời viết luận văn tiến sĩ nhưng ông từ chối.
GS. Nhơn chia sẻ: “Những năm đó cuôc sống còn khó khăn, lương tôi chỉ có vài trăm nghìn đồng một tháng nhưng đã có những lời mời sẽ trả tới hàng chục triệu đồng nếu mình đồng ý viết thuê luận văn tiến sĩ. Theo tôi được biết thì tình trạng viết luận văn thuê đang rất phổ biến. Có nhiều người vẫn tìm cách liên hệ, mời chào một số giáo sư, tiến sĩ cùng tham gia nhóm viết luận văn thuê. Đây là hành vi tiếp tay cho vấn nạn “học giả, bằng thật”.
Bên cạnh đó, hiện tượng xào xáo luận văn xảy ra cũng rất nhiều. Với cách đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ như ở ta hiện nay thì việc xác minh tiến sĩ, thạc sĩ nào học thật, viết thật, tiến sĩ, thạc sĩ nào đã thuê viết luận văn là rất khó. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số thầy, cô dễ dãi trong việc chấm luận văn, luận án. Việc cho trượt luận án là hiếm hoi vì nói thật, nếu cho trượt thì sau đó sẽ không có ai mời mình tham gia hội đồng nữa…”.
GS.TS Bùi Văn Nhơn cũng cho rằng tình trạng tiến sĩ “giấy” tồn tại là do một số nguyên nhân cụ thể, nhất là khi động cơ và mục tiêu của người học không phù hợp. Theo GS. Nhơn, trong số 24.000 tiến sĩ ở ta hiện nay, có bao nhiêu người làm khoa học thật sự? Một nguyên nhân nữa là do người hướng dẫn nghiên cứu sinh quá dễ dãi đối với người nghiên cứu dẫn đến việc đi thuê, đi cóp luận án của người khác. Đó là chưa kể đến việc đào tạo tiến sĩ theo kiểu ồ ạt, tràn lan như hiện nay cũng đã tiếp tay cho tình trạng viết luận văn thuê “nở rộ”.
Có một vấn đề mà gần như ai cũng biết là việc đi thuê viết luận văn hay viết thuê luận văn đều là những hành vi gian lận trong việc đào tạo. Cũng chính vì hành vi này không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời dẫn tới hệ lụy học giả nhưng bằng cấp thật.
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc công ty Luật Dragon, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc viết thuê luận văn hay đi thuê viết luận văn đều là những hành động gian lận trong thi cử. “Tuy nhiên, chúng ta lại không thể xử lý hình sự vì đây là giao dịch dân sự. Hiện chưa có chế tài xử lý hành vi nhận viết thuê luận văn nếu các luận văn viết thuê đó không phải là sản phẩm sao chép hay xâm phạm bản quyền. Thông thường, nếu phát hiện ai sử dụng luận văn sao chép thì tùy theo mức độ vi phạm, các cơ sở đào tạo sẽ có biện pháp xử lý cụ thể nhưng mức cao nhất cũng chỉ là thu hồi các văn bằng, chứng chỉ cấp đã cấp cho người đó.
Ngoài ra, vì phần lớn các giao dịch thuê, nhận thuê viết luận văn đều là thỏa thuận miệng nên pháp luật rất khó điều chỉnh. Do vậy, khi phát hiện cá nhân nào đã thuê viết luận văn hay viết thuê luận văn và coi đó như “cần câu cơm” thì chúng ta cũng chỉ có thể phê phán trên khía cạnh đạo đức mà chưa thể áp dụng chế tài để xử lý luật định”.
Số lượng tiến sĩ của Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Đó là tiết lộ của tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, nguyên chuyên viên Đối ngoại, học viện Hành chính Quốc gia. Cách đây không lâu, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP. quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học. |
Trần Phương