Hai yếu tố quan trọng
Theo tạp chí điện tử Writer Digest, việc viết tự truyện, hồi ký về những nhân vật có thật trong cuộc sống là điều không dễ dàng, đặc biệt khi những câu chuyện liên quan lại mang màu sắc tiêu cực. Một khi đã được xuất bản, phát hành rộng rãi thì các tác giả càng có nguy cơ bị kiện cao hơn.
Một vụ kiện đáng chú ý từng xảy ra là trường hợp của tác giả Augusten Burroughs. Ông đã bị kiện bởi gia đình của bệnh nhân tâm thần mà ông đã có dịp trò chuyện. Họ cho rằng ông đã dựng chuyện trong cuốn hồi ký “Running With Scissors” của mình để cuốn sách thêm phần ăn khách.
Theo chuyên gia pháp lý người Mỹ Howard G. Zaharoff, khi viết tự truyện hay hồi ký, có hai điều mà tác giả cần chú ý đó là khả năng cuốn sách sẽ xúc phạm đến người khác hoặc cung cấp những thông tin mang tính “vạch trần” các nhân vật xuất hiện trong đó.
“Quyền được tránh bị tiết lộ những sự thật riêng tư hay đáng xấu hổ là điều đáng chú ý đầu tiên. Ví dụ, tôi đang đọc một cuốn tiểu thuyết của John Sandord, trong đó một chính trị gia nổi tiếng bị cáo buộc có quan hệ với một cô gái chưa đến tuổi vị thành niên. Cô gái này đã đưa ra bằng chứng cho sự việc đó bằng cách mô tả hai vết tàn nhang tại bộ phận nhạy cảm của người đàn ông kia. Nếu chúng không liên quan tới một sự việc quan trọng cần phải kể thì tôi sẽ tránh đưa ra thông tin này”.
Tương tự, chuyên gia Zaharoff cho rằng không nên đưa ra những thông tin tiêu cực hoặc khiến người khác khó chịu nếu nó không thực sự cần thiết cho câu chuyện trong hồi ký.
“Ngoài ra, luật pháp Mỹ cấm nói xấu, làm mất danh dự người khác, điều đó có nghĩa là dù anh viết hay nói sai sự thật mà có thể khiến đối tượng được nhắc tới cảm thấy bị nhạo báng hoặc xúc phạm thì đều bị cấm. Những tuyên bố mang tính tiêu cực mà anh cung cấp về một người đang còn sống phải chính xác và đặc biệt là phải có chứng cứ”, Zaharoff viết.
Theo Writer Digest, khi viết một thứ gì đó tệ hại về một người nào đó thì tác giả cuốn tự truyện, hồi ký đó sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị khiếu kiện, đặc biệt là trong trường hợp thứ ủng hộ duy nhất cho câu chuyện mà tác giả kể chỉ là... ngôn từ của chính anh ta.
Do đó, theo tạp chí này, cách duy nhất để tránh khỏi nguy cơ bị khiếu kiện là thay đổi tên, tuổi và các thông tin cá nhân liên quan về nhân vật được nhắc tới, để không ai nhận ra được chủ thể mà tác giả đang nhắc tên tới. Điều mà tạp chí này chú ý thêm đó là luôn cần lắng nghe sự tham vấn của một luật sư trước khi xuất bản bất kỳ cuốn tự truyện, hồi ký nào.
Những vụ kiện lớn
Hồi năm 2013, vận động viên nổi tiếng Lance Armstrong đã phải đối mặt với một vụ kiện khi các độc giả đòi ông phải hoàn trả số tiền 5 triệu USD tiền xuất bản vì họ đã phải mua một cuốn tự truyện nói sai sự thật về cuộc đời ông.
Vụ lùm xùm sử dụng doping của Armstrong đã khiến các độc giả sau đó nghi ngờ trước những lời kể về tính xác thực về những câu chuyện của ông trong cuốn tự truyện “It’s not About the Bike” được xuất bản năm 2001. Tuy nhiên, các cơ quan xuất bản liên quan cho rằng nhóm độc giả kia không thể chỉ rõ lời nói dối nào đã khiến họ tin tưởng sau khi mua cuốn sách. Trước đó 1 năm, cuốn này đã trở thành sách bán chạy nhất của New York Times.
Vào năm 2006, độc giả tại các bang New York, California và Illinois đã thắng một vụ kiện khi họ cho rằng mình bị lừa bởi tác giả James Frey và nhà xuất bản Random House Group. Do đó, mỗi người mua sách trước khi tác giả Frey thừa nhận là “dựng chuyện” đều được nhận lại toàn bộ số tiền họ bỏ ra để mua sách. Tổng số tiền mà tác giả phải trả lên tới 2,35 triệu USD, gồm tiền trả cho độc giả, phí cho luật sư...
Mới tháng 4/2018 vừa qua, cô Mineko Iwasaki, sống tại Kyoto, Nhật Bản, cũng đã đệ đơn kiện lên tòa án bang Manhattan của Mỹ. Cô kiện tác giả Arthur Golden, người đã viết cuốn “Geisha”, và yêu cầu bồi thường 1% của số tiền 10 triệu USD mà ông Golden đã thu về. Lý do cô đưa ra là tác giả và nhà xuất bản đã sử dụng đời tư của cô để viết truyện và vi phạm thỏa thuận giữa hai bên khi không giấu danh tính cho cô trong cuốn “Geisha”. Cuốn sách bán được khoảng hơn 4 triệu bản.
Iwasaki là một trong những geisha nổi tiếng nhất của Kyoto vào những năm 1980. Cô đã gặp tác giả Golden vào năm 1992 và đồng ý cho phỏng vấn với điều kiện giấu tên về gia đình và những câu chuyện riêng tư của cô.
Nhưng ông Golden đã phá vỡ lời hứa và bôi xấu danh dự của cô để quảng cáo cho cuốn sách, đơn kiện nêu rõ. Cuốn sách này luôn nằm ở danh sách sách bán chạy nhất trong 58 tuần liên tiếp. Trong đó, “Geisha” mô tả rằng cô Iwasaki đã bị bố mẹ bán đi làm geisha, và sự trinh trắng của cô đã thuộc về người đàn ông trả giá cao nhất trong một cuộc đấu giá. Đơn kiện của Iwasaki cho hay cả hai câu chuyện trên đều là bịa đặt. Quá trình tố tụng liên quan tới vụ việc vẫn đang được tiếp diễn.
Xem thêm: Nhan sắc cô gái Nga vượt 2.000 đối thủ, trở thành vợ thứ 6 của ông trùm dầu mỏ