Đã nổi tiếng phải có... tự truyện
Cách đây 8 năm, khi công bố với báo giới sẽ cho ra mắt cuốn tự truyện với 80% sự thật về cuộc đời của mình, người đẹp Hà Kiều Anh đã đánh một dấu mốc "quan trọng" là hoa hậu Việt Nam đầu tiên viết tự truyện về cuộc đời và sự nghiệp của mình sau 12 năm đăng quang ngôi vị sắc đẹp cao nhất. Từ đó cho đến nay, như một trào lưu có sức hút kỳ lạ, thể loại văn học đặc biệt này lôi kéo được rất nhiều nghệ sĩ cả trong lẫn ngoài giới showbiz tham gia và thử sức với tâm lý được ăn cả ngã về không. Nếu có một cuộc thống kê về những nghệ sĩ đã mạo hiểm cầm bút viết tự truyện từ độ nổi tiếng cao đến nổi vừa vừa, chắc chắn sẽ tốn không ít giấy mực của những người kỳ công lên danh sách. Kể từ tự truyện của phái đẹp như: Hoa hậu Hà Kiều Anh, Hoa hậu trái đất Trúc Diễm, người mẫu Thanh Hằng, diễn viên Tăng Thanh Hà, ca sĩ Vy Oanh cho đến tự truyện của giới mày râu như cầu thủ Công Vinh, ca sĩ Long Nhật, diễn viên Lương Mạnh Hải, anh bo Đan Trường, ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng đều thu hút không ít sự quan tâm của công chúng. Ngay cả thần đồng nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam cũng sắp cho ra tự truyện và gần đây nhất (tháng 1/2013) là cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Mặt nạ - Treo gương trong phòng ngủ của nữ ca sĩ Tinna Tình, được cho là cuốn tự truyện tiết lộ những góc khuất chấn động của giới showbiz Việt.
Tự truyện của NSƯT Lê Vân được đánh giá là tác phẩm tự truyện tiêu biểu nhất của giới nghệ sĩ Việt.
Nói mang tâm lý đánh cược, bởi nếu thành công, tự truyện sẽ giúp cho tên tuổi chủ nhân của nó nhanh chóng nổi như cồn nhưng nếu chẳng may thất bại thì họ cũng nhận được không ít “gạch, đá” từ dư luận. Nắm bắt được khả năng năm ăn năm thua này, nên những tác phẩm tự truyện của nghệ sĩ thường nằm trong phạm vi an toàn, ít mang giá trị văn học hay nhân văn mà nặng về những chuyện bây giờ mới kể như một cuốn nhật ký hay tiểu sử cá nhân. Thế nên mới có chuyện tự truyện của sao sáng và sao mờ đều na ná giống nhau: Kể lại cuộc sống từ khi cơ cực đến khi thành sao, những cuộc tình rắc rối tay ba tay tư với các đại gia, những trắc trở và gian nan trong nghề như một tấm gương mẫu tiêu biểu mà nếu đọc chắc chắn không ít người phải hoài nghi và thắc mắc là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những câu chuyện ấy?
Trong tự truyện của người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh Tăng Thanh Hà, cô kể về quá trình gian nan và không kém phần gian khổ khi từ một cô bé bán trái cây dạo vươn lên trở thành một diễn viên điện ảnh toả sáng, một người mẫu sáng giá của làng giải trí. Nhưng điều trớ trêu lại nằm ở chỗ sự thật là gia đình của diễn viên Đẹp từng centimet có bán trái cây nhưng đại lý trái cây của gia đình cô có quy mô rất lớn và có khả năng phân phối khắp toàn cầu. Còn trong tự truyện của nam diễn viên chính Bỗng dưng muốn khóc, Lương Mạnh Hải kể về chuyện đã từng khổ sở lăn lóc với cuộc đời với đủ công việc từ chuyện đi làm xe ôm, làm thêm ở tạp chí đến chuyện biết tự lập từ năm 18 tuổi. Hay như người mẫu chân dài số 1 sàn catwalk Việt, siêu mẫu Thanh Hằng kể chuyện từ lúc ngây thơ em chẳng biết gì cho đến chuyện vinh dự đoạt được giải thưởng Hoa hậu Việt Nam qua ảnh, rồi trở thành người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh diễn như thế nào?!. Cuối năm 2012, một trong những thảm hoạ MC Việt là ca sĩ Vy Oanh cũng đã định cho ra mắt tự truyện mang tên Hành trình lấy lại danh dự nhưng vì lý do cá nhân nên phải tạm hoãn lại. Cô cho biết hiện tại đã viết xong 2 chương là Khát vọng, Showbiz và dự định sẽ viết cho đến hết cuộc đời.
Dẫu biết sông có khúc, người có lúc và đường đến vinh quang không trải hoa hồng nhưng có thể thấy mọi chi tiết nhỏ nhặt của cuộc đời mình đều được các sao khai thác một cách tối đa, thậm chí thêm cả yếu tố hư cấu để tạo nên tấm gương sáng như ngày hôm nay. Và như một điều mặc nhiên, cho dù có xuất hiện ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì họ vẫn rất đẹp, rất gương mẫu, không có lấy một ý nghĩ hay hành động xấu dù phải chịu bao sự đày ải khốc liệt của trần gian. Dường như họ sợ rằng nếu không ôn nghèo kể khổ thì công chúng không thể biết họ đã chiến thắng nghịch cảnh như thế nào.
Tự truyện của đầy rẫy những câu chuyện tình đồng tính của ca sĩ Long Nhật từng khiến tên tuổi của anh hot hơn cả thời hoàng kim trong sự nghiệp và cũng khiến anh nhiều phen chao đảo vì bị nghi ngờ về giới tính suốt bao năm.
Một chiêu làm mới tên tuổi
Văn chương vốn rộng mở nhưng cũng khá nghiêm khắc với những người bước chân vào địa hạt của nó, và đương nhiên phần thưởng luôn dành cho những người có tài năng. Cuối năm 2006, khi cuốn tự truyện của NSƯT Lê Vân ra đời, không nói đến giá trị văn học của nó mà chỉ riêng khía cạnh những chuyện đời tư mới được tiết lộ của một nghệ sĩ nổi tiếng cũng đủ khiến Lê Vân yêu và sống trở thành và best-seller trên thị trường và thu hút sự phân tích, bình luận của không ít báo chí cùng các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khác với sự đầu tư kỹ lưỡng về công sức và tâm huyết của Lê Vân trong tự truyện của mình, nhiều ngôi sao dù biết không có duyên với văn chương cũng sẵn sàng cầm bút để vẽ lại cuộc đời mình, vô tình góp vào sự tạo thành trào lưu mang tên tự truyện.
Có lẽ khi khán giả đã bội thực với đủ các chiêu trò để đánh bóng tên tuổi của nghệ sĩ trong showbiz Việt thì việc cho ra mắt tự truyện sẽ phần nào giúp các sao hâm nóng hay ít ra cũng vớt vát chút tên tuổi đang dần bị nhấn chìm và lãng quên theo quy luật khắc nghiệt của làng giải trí. Thế mới thấy những người đã, đang và sắp nổi tiếng từ ca sĩ, diễn viên cho đến người mẫu đều rục rịch tung ra tự truyện và nếu ai không tham gia thì có vẻ như đang bị lạc hậu so với người đi trước. Kết quả là càng tạo nên sự bát nháo vốn đã tồn tại trong giới showbiz.
Nói về vấn đề này, nhà văn Di Li bày tỏ: "Hai thập kỷ trước đây, đời tư của những người nổi tiếng không được quan tâm quá mức như bây giờ. Công chúng tò mò muốn biết về cuộc sống thực của người nghệ sĩ. Sao viết tự truyện mà không có năng khiếu văn chương thì tác phẩm sẽ không có giá trị thẩm mỹ. Còn nếu không, nó sẽ trở thành một tác phẩm câu khách rẻ tiền. Tự truyện không yêu cầu văn chương phải quá cao siêu nhưng cũng đừng vì thế mà trở nên dở tệ. Chuyện nhiều người chia sẻ cuộc đời của mình để công chúng biết đến hay cảm thấy cuộc đời mình xứng đáng để được in thành sách chẳng có vấn đề gì. Sách tốt thì người ta sẽ được nâng tầm giá trị hơn, giống như hoạ sĩ, diễn viên thấy mình hát tốt thì nhảy sang lĩnh vực ca hát khiến công chúng thấy họ đa tài. Và đã nổi tiếng nay muốn nổi tiếng hơn bằng tự truyện là mong muốn chính đáng của nghệ sĩ, cũng là xu thế tất yếu của xã hội văn minh miễn là cuộc đời của họ có nhiều cái đáng để nói, nội dung câu chuyện có nhiều ý nghĩa. Còn nếu tự truyện chỉ nhằm công kích người khác, lấy chân dung phiếm chỉ của người cùng nghề để đánh đấm họ hay bịa chuyện để tự nâng cao mình thì đó là điều hoàn toàn không nên làm?.
Nhiều sao khi viết tự truyện có lẽ không biết, sự yêu mến mà khán giả dành cho họ không nằm ở những trang viết cẩu thả, sắp đặt và sáo rỗng mà nằm ở tài năng và phẩm chất của họ sẵn sàng khi cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
"Khi đã viết tự truyện người nghệ sĩ nên trung thành với sự thật và có lòng tự trọng bởi cái gì đã ra công chúng thì không nên để nó kém chất lượng, đặc biệt là đối với nghệ sĩ đã danh tiếng. Những sản phẩm rẻ tiền sẽ hạ thấp giá trị của nghệ sĩ và khiến họ sớm bị tàn phai. Còn khi tự truyện có dấu ấn riêng của người viết thì nó không đơn thuần chỉ là chân dung đời tư của nghệ sĩ mà trở thành tư liệu sống có giá trị về văn hoá và nghệ thuật", nhà văn Di Li bộc bạch. |
Loan Thanh