VietBank hoạt động ra sao sau 10 năm thành lập?

VietBank hoạt động ra sao sau 10 năm thành lập?

Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh

Thứ 5, 23/02/2017 09:30

Sau 10 năm thành lập, hoạt động của VietBank vẫn không có nhiều nổi bật, ngoại trừ bê bối xoay quanh vụ án liên quan tới Ngân hàng ACB và bầu Kiên.

Tài chính - Ngân hàng - VietBank hoạt động ra sao sau 10 năm thành lập?

 VietBank gần như không mở rộng trong 5 năm qua

VietBank vừa có bố cáo về việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.249 tỷ đồng. Đây là một trong số những thông tin hiếm hoi được nhà băng này công bố kể từ khi thành lập cho đến nay.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) được thành lập vào tháng 2/2007 tại TP. Sóc Trăng với các cổ đông sáng lập là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty Đầu tư & Phát triển Hoa Lâm (ông Dương Ngọc Hòa, chống bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Lâm – giữ chức Chủ tịch HĐQT VietBank) và Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền của đại gia thủy sản đình đám cùng tên.

Những tưởng với sự hậu thuẫn của Ngân hàng ACB, cùng tiềm lực tài chính “khủng” của những đại gia giàu có, VietBank sẽ nhanh chóng vươn tầm, trở thành một nhà băng tên tuổi, có chỗ đứng. Song sau một thập kỷ thành lập, vẫn không nhiều người biết tới thương hiệu VietBank, với vốn điều lệ vừa nhỉnh hơn vốn pháp lệnh, và thuộc top những ngân hàng bé nhất hiện nay.

Giai đoạn 2007-2011 có thể coi là thời kỳ phát triển mạnh nhất của VietBank. Ngân hàng này liên tục mở rộng mạng lưới ra các thành phố lớn. Tính tới năm 2012, VietBank có 10 chi nhánh và 91 phòng giao dịch trên toàn quốc. Để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VietBank năm 2010 đã tiến hành tăng vốn gấp đôi từ 1.632 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Song cũng từ đó cho tới nay, số điểm giao dịch của VietBank chỉ được tăng thêm 5 cơ sở, cho thấy sự chững lại đáng kể của một trong hai nhà băng có trụ sở tại Miền Tây (bên cạnh KienLong Bank).

Đáng chú ý, năm 2012 cũng là năm chứng kiến sự kiện nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Ngân hàng ACB là cổ đông sáng lập, và bản thân ông Kiên cũng có cổ phần lớn và mối liên hệ mật thiết tới VietBank. Bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông Kiên hiện đang là thành viên HĐQT VietBank.

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, VietBank, cùng KienLongBank được xác định là bên trung gian, nhận tiền lòng vòng trong quá trình ông Kiên chỉ đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà băng này. Cụ thể, cuối năm 2009, ACB dưới sự chỉ đạo của ông Kiên đã cho VietBank và KienLongBank vay lần lượt 500 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được cho vay lại ACBS để doanh nghiệp này cùng hai công ty của ông Kiên mua 52 triệu cổ phiếu ngân hàng ACB với danh nghĩa hợp tác đầu tư.

 Hành vi này sau đó bị phát hiện và ACBS được yêu cầu phải loại bỏ cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư, hai công ty của ông Kiên theo đó phải trả lại tiền cho ACBS. Vai trò trung gian của VietBank lúc này lại được thể hiện. Để có tiền trả lại, ACB lại cho VietBank vay gần 1.700 tỷ đồng để nhà băng này tiếp tục cho vay hai công ty của bầu Kiên dưới hình thức mua trái trái phiếu. Tuy nhiên khi mà hai công ty của bầu Kiên còn nợ VietBank gần 1.200 tỷ đồng, thì những pháp nhân này chỉ còn giữ số cổ phiếu ACB trị giá gần 580 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại đối với Ngân hàng ACB mà bầu Kiên thông qua VietBank và các pháp nhân liên quan gây ra lên tới 688 tỷ đồng.

 

Với mối liên hệ mật thiết, không khó để thấy rằng hoạt động èo uột của VietBank những năm qua gắn liền với sự ra đi của ông Nguyễn Đức Kiên – người được cho là nắm quyền điều hành trực tiếp tại Ngân hàng ACB.

Năm 2012, VietBank ghi nhận lãi ròng 16,8 tỷ đồng, giảm 22 lần so với năm 2011, chủ yếu do lỗ từ đầu tư chứng khoán 239 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần cũng giảm mạnh, còn 644 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với năm trước. Ngoài ra, lượng tiền mặt thời điểm cuối năm 2012 chỉ là 420 tỷ đồng, bằng 1/13 đầu năm (5.435 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 5.014 tỷ với cả ba dòng tiền đều âm: Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 4.179 tỷ đồng, từ hoạt động tài chính âm 300 tỷ đồng và hoạt động đầu tư âm 535 tỷ đồng.

Do hiện nay VietBank chưa phải là công ty đại chúng (có ít hơn 100 cổ đông) nên không thuộc diện bắt buộc công bố thông tin theo quy định hiện hành, bởi vậy có rất ít dữ liệu về hoạt động hiện nay của VietBank. Song nhìn vào quy mô vốn khiêm tốn, cùng quá trình mở rộng gần như đình trệ trong 5 năm qua, không khó để thấy tình trạng khó khăn của nhà băng non trẻ này, nhất là trong bối cảnh thị trường tín dụng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Ngân hàng yếu kém, hoặc phải cải tổ mạnh mẽ hoặc chịu cảnh sáp nhập.

Tại VietBank, người ta chưa thấy được những cải cách mạnh mẽ từ đội ngũ lãnh đạo, trong đó trở thành công ty đại chúng, để rồi công bố, minh bạch thông tin phải coi là bước đi đầu tiên!

Nghi Điền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.