Vietcombank: Tại sao lợi nhuận liên tục phá đỉnh, cổ tức lại lao dốc?

Vietcombank: Tại sao lợi nhuận liên tục phá đỉnh, cổ tức lại lao dốc?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 7, 28/04/2018 11:47

Vấn đề chia cổ tức của Vietcombank luôn gặp áp lực từ cổ đông khi hàng năm, lợi nhuận ngân hàng đều đạt mức cao nhất toàn hệ thống, năm nay phá kỷ lục năm trước nhưng tỷ lệ cổ tức lại giảm dần đều từ 12% xuống 10% và hiện chỉ còn 8%. So với mức giá cổ phiếu VCB trên sàn (khoảng 75.000 đồng/CP), tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư chỉ là 1%.

Ngày 27/4/2018, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần thứ 11. Đại hội đã thông qua nhiều tờ trình quan trọng liên quan đến việc bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, kế hoạch chia cổ tức và kinh doanh năm 2018.

ĐHĐCĐ Vietcombank: Cổ đông chất vấn tỷ lệ cổ tức thấp, Chủ tịch Vietcombank trần tình

Một vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm đó là kế hoạch chia cổ tức năm 2017 tiếp tục với tỷ lệ 8%/năm (cổ đông sở hữu 1 cổ phần mệnh giá 10.000 đồng sẽ nhận được cổ tức 800 đồng).

Cổ đông đặt câu hỏi tại sao tỷ lệ lại thấp như vậy, khi so sánh với tương quan mức lợi nhuận đạt được năm qua là 11.300 tỷ đồng - cao nhất trong khối các tổ chức tín dụng? Trong khi đó, giai đoạn 2010-2014, Vietcombank duy trì mức cổ tức 12% bằng tiền mặt. Riêng năm 2014 có mức cổ tức hậu hĩnh nhất tới 25%, gồm 10% bằng tiền (tương ứng chi ra 2.265 tỷ đồng, bằng 45,35% lợi nhuận sau thuế) và chia thêm cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%.

Tỷ lệ cổ tức 10% tiền mặt cũng được chia cho năm 2015 dù ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao đạt 5.900 tỷ đồng.

Nhưng vài năm gần đây, ngân hàng chỉ trả cổ tức với tỷ lệ 8% - cao hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm một chút. So sánh với giá cổ phiếu VCB trên thị trường luôn ở mức cao khoảng 60.000 - 75.000 đồng thì tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư từ cổ tức chỉ là 1%.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành lý giải: Do quy mô vốn điều lệ của Vietcombank tăng trưởng hàng năm, từ 12.000 tỷ đồng năm 2012 lên 26.000 tỷ vào năm 2014 và hiện nay là 35.900 tỷ đồng, theo đó, áp lực chi trả cổ tức ngày càng cao.

Vietcombank: Tại sao lợi nhuận liên tục phá đỉnh, cổ tức lại lao dốc?

Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018 - 2023, ông Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại ĐHĐCĐ

Một số câu hỏi khác của cổ đông cũng được vị Chủ tịch giải đáp rõ ràng ngay trong đại hội.

Trong đề án kế hoạch đến năm 2020, ngân hàng có kế hoạch M&A không và có kế hoạch hỗ trợ ngân hàng yếu nào không?

ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã thông qua giao cho HĐQT tìm kiếm ngân hàng để M&A, hiện nay chúng tôi vẫn đang trong lộ trình và vẫn chưa tìm được ngân hàng để thực hiện.

Về hỗ trợ ngân hàng yếu kém, Vietcombank được NHNN giao hỗ trợ 1 trong 3 ngân hàng 0 đồng, tuy nhiên, chúng tôi sẽ chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và con người chứ không phải hỗ trợ tài chính, VCB cử một số thành viên tham gia vào Ngân hàng Xây dựng để tư vấn trong quá trình kinh doanh.

Trong giai đoạn tới ngân hàng kỳ vọng nợ xấu thu hồi được bao nhiêu? Trong số lợi nhuận kế hoạch 13.300 tỷ đồng năm 2018, thì bao nhiêu đến từ việc giải quyết nợ xấu?

Nợ xấu hiện có 2 cấu phần là nội bảng và ngoại bảng. Nợ xấu nội bảng hiện chúng tôi đã đưa từ mức 2,4% năm 2012, xuống 1,1% năm 2017, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra.

Số nợ xấu ngoại bảng giải quyết vẫn chưa được như kỳ vọng nhưng đã đạt được chỉ tiêu. Số thu nhập từ nợ xấu ngoại bảng đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Khi nào Vietcombank sẽ thoái vốn khỏi Eximbank?

Hiện Vietcombank chỉ còn nắm cổ phần ở 2 tổ chức tín dụng, đáp ứng theo quy định pháp luật, tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ vẫn cao hơn 5%. Hiện chúng tôi đã báo cáo NHN và được phê duyệt thoái vốn, theo đó, nếu đưa tỷ lệ sở hữu còn lại dưới 5% thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu.

Ngay trong quý II này, nếu thị trường tích cực chúng tôi sẽ tiến hành thoái vốn bớt khỏi 2 tổ chức này để đáp ứng đầy đủ nhất Thông tư 36.

Vietcombank đã phê duyệt mức giá bán vốn trong năm tới chưa? Có đối tác tiềm năng nào?

Hiện chúng tôi đã báo cáo NHNN, xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này. Đến tháng 12/2017, NHNN đã có văn bản chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ 10%, tối đa cho không quá 10 nhà đầu tư. Hiện nay chúng tôi đang triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo công khai minh bạch, quyền lợi cổ đông.

Về giá bán, giá sẽ được căn cứ giá 10 phiên gần nhất và giá định giá. Khi nào thành công sẽ báo cáo cổ đông.

Vietcombank: Tại sao lợi nhuận liên tục phá đỉnh, cổ tức lại lao dốc? (Hình 2).

Các Thành viên HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018 – 2023 ra mắt cổ đông nhưng vắng mặt ông Trương Gia Bình vì tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm Singapore.

 

Tại Đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết: Năm nay Vietcombank sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn, đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh doanh và tuân thủ tỷ lệ an toàn, hướng tới tuân thủ Basel II; tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai phát hành riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn; gia tăng hiệu quả kinh doanh, cơ cấu danh mục tài sản nợ - có, nâng cao chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu,… Vietcombank cũng sẽ thành lập 6 chi nhánh mới gồm 05 chi nhánh trong nước và 1 chi nhánh ở Lào trên cơ sở phê duyệt của NHNN. Bên cạnh đó còn triển khai thành lập Văn phòng đại diện Vietcombank tại NewYork, chi nhánh ngân hàng con tại Úc …

ĐHCĐ Vietcombank đã thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập. Tuy nhiên, số thành viên được bầu vào HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 là 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập là ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT.

7 thành viên còn lại đều là những nhân sự của HĐQT cũ và ông Hồng Quang - Trưởng ban tổ chức cán bộ Vietcombank.

Ngay sau ĐHĐCĐ, HĐQT Vietcombank  nhiệm kỳ 2018-2023 đã họp phiên đầu tiên để bầu Chủ tịch HĐQT và thực hiện phân công nhiệm vụ cho các TV HĐQT. Ông Nghiêm Xuân Thành đã trúng cử Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 với số phiếu tuyệt đối.

4 thành viên vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới gồm:  bà Trương Lệ Hiền;  bà  Đỗ Thị Mai Hương;  bà La Thị Hồng Minh và bà Vũ Thị Bích Vân đều là các thành viên nhiệm kỳ 2013 - 2018.

Ban Kiểm soát Vietcombank  nhiệm kỳ 2018-2023 cũng đã họp phiên đầu tiên và đã bầu bà Trương Lệ Hiền giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023.

Vietcombank: Tại sao lợi nhuận liên tục phá đỉnh, cổ tức lại lao dốc? (Hình 3).

Kết quả kinh doanh năm 2017 và kế hoạch 2018 của Vietcombank

Năm 2018 , Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn tăng 15%, tín dụng tăng 15%, nợ xấu dưới 1,5%. Lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với kết quả năm 2017 - mức lợi nhuận kế hoạch cao nhất được công bố tính đến thời điểm này. Năm 2017, Vietcombank cũng dẫn đầu ngành ngân hàng với lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 11.340 tỷ đồng.

Vietcombank dự kiến dành 2.878 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2017, tương đương 8% vốn điều lệ.

Theo Đề án cơ cấu lại, Vietcombank đặt mục tiêu nâng quy mô tổng tài sản mục tiêu lên khoảng 60 tỷ USD đến năm 2020, trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á. Quy mô vốn chủ sở hữu khoảng 4,5 tỷ USD, ROE khoảng 15%, tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 2%.

 

Xem thêm >>> Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trúng cử ghế nóng Vietcombank

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.